Thông cáo phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

15/03/2007

Từ ngày 14 đến ngày 29-4-2003, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XI và nhận thấy rằng, đến nay, việc chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp đã cơ bản hoàn thành.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp, khai mạc ngày 3-5-2003 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội và yêu cầu các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị để góp phần bảo đảm cho kỳ họp thành công tốt đẹp.

2 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2002; tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2003.

Uỷ ban T0hường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, năm 2002, do nhiều chỉ tiêu được hoàn thành tốt trong 2 tháng cuối năm nên hầu hết các chỉ tiêu cả năm đạt được mức khá hơn so với mức trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (11-2002), nhất là các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu, các hoạt động dịch vụ, huy động vốn đầu tư phát triển, thu ngân sách, công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và một số chính sách xã hội khác. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy được thế mạnh của từng vùng, từng ngành và từng thành phần kinh tế. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và tăng cường.

Bước sang năm 2003, mặc dù bối cảnh quốc tế có những biến động phức tạp, nhất là ảnh hưởng của cuộc chiến tranh ở Irắc, nhưng tình hình kinh tế-xã hội quý I tiếp tục có những chuyển biến tích cực với nhiều mặt nổi trội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chỉ tiêu vượt mức kế hoạch. Sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tăng khá. Nguồn lực phát triển được huy động nhiều hơn. Lĩnh vực xã hội có bước chuyển biến tích cực, nhất là việc lập lại trật tự, an toàn giao thông đường bộ, giải quyết ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn. Các hoạt động văn hoá, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều có những tiến bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt mức cao nhưng vẫn thấp hơn mức kế hoạch đề ra cho cả năm. Khả năng cạnh tranh còn thấp, chất lượng tăng trưởng chưa vững chắc, việc huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển hiệu quả còn thấp. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết kịp thời và triệt để, tệ nạn xã hội còn ở mức báo động.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân những mặt được, chưa được của nền kinh tế và dự báo những thuận lợi, khó khăn trong thời gian tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các giải pháp của Chính phủ đề ra nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2003 và nhấn mạnh một số vấn đề sau: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phấn đấu giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Thực hiện tốt các giải pháp hạn chế tối đa tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh ở Irắc đối với xuất khẩu, nhập khẩu và các hoạt động khác của nền kinh tế. Tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư. Thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội khác; tiếp tục chống ùn tắc và tai nạn giao thông.

3 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến về các dự án luật, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Đối với 8 dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua: Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật thống kê, Luật kế toán, Luật biên giới quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án này trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn, ý kiến đóng góp của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan hữu quan tại hội nghị do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triệu tập vào tháng 3-2003. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chuẩn bị kỹ nội dung về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án, tạo điều kiện thuận lợi để Quốc hội thảo luận, thông qua, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng văn bản và tiết kiệm thời gian tại kỳ họp.

Đối với 9 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến: Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi), Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi); Luật thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hợp tác xã; Bộ luật tố tụng hình sự(sửa đổi), Luật doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi), Luật thuỷ sản và Luật xây dựng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về các nội dung của từng dự án và yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh văn bản và theo chức năng trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Đây cũng là bước đi cần thiết, làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh các dự án để Quốc hội xem xét, thông qua tại các kỳ họp sau.

4 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về việc chuẩn bị tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam á (SEA Games) lần thứ 22 năm 2003 tại Việt Nam.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của các cơ quan hữu quan về việc chuẩn bị tổ chức Sea Games trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ đầy đủ các điều luật tổ chức SEA Games trên tinh thần trung thực, công bằng và đoàn kết, nêu cao lòng mến khách, tinh thần thượng võ, thái độ ứng xử văn minh, lịch sự; huy động được tối đa khả năng của các ngành, các cấp và toàn xã hội, bảo đảm an toàn và tiết kiệm. Phấn đấu làm cho SEA Games 22 thành công tốt đẹp, đúng với tinh thần khẩu hiệu đã đề ra là ''SEA Games 22 - đoàn kết, hợp tác vì hoà bình và phát triển''.

5 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về việc chuẩn bị xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới).

Trên cơ sở các báo cáo của Bộ xây dựng, Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội về quá trình chuẩn bị các phương án kiến trúc, kết quả thi tuyển và đánh giá của Hội đồng chấm thi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với kiến nghị của Bộ xây dựng và Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội là cần nâng cấp cả 3 phương án đạt loại A và lựa chọn một phương án nổi trội nhất để tiếp tục hoàn thiện.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện phương án kiến trúc để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.

6 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức.

Việc ban hành Pháp lệnh này nhằm thể chế hoá các Nghị quyết của hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII, khoá IX) về vấn đề cán bộ, công chức, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực công tác, tận tuỵ phục vụ nhân dân và trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

7 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về việc triển khai thực hiện Luật hôn nhân và gia đình và cho ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật.

8 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo, cho ý kiến về tình hình thực hiện Luật phòng, chống ma tuý và công tác tổ chức quản lý, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng và nhân dân cả nước trong thời gian qua đã khắc phục nhiều khó khăn để triển khai thi hành Luật này và bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí phương hướng hoạt động phòng, chống ma tuý trong thời gian tới do các cơ quan chức năng đề xuất và nhấn mạnh: Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thực hiện các quy định của Luật, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt Chương trình hành động phòng, chống ma tuý giai đoạn 2001-2005; tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống ma tuý.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo và dự thảo Nghị quyết về việc cho phép một số địa phương thực hiện thí điểm quản lý, dạy nghề, giải quyết việc làm sau cai nghiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

9 - Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ, ý kiến của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội về kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2002 và dự kiến sử dụng (đợt 2) số tăng thu ngân sách trung ương năm 2002, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và quyết định việc tăng thu ngân sách trung ương năm 2002.