Thông cáo Phiên họp thứ mười của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII

30/07/2008

Từ ngày 23 đến ngày 29 tháng 7 năm 2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ mười tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 7 dự án Luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII vừa qua. Đó là các dự án: Luật đa dạng sinh học; Luật cán bộ, công chức; Luật quốc tịch (sửa đổi); Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật bảo hiểm y tế; Luật thi hành án dân sự và Luật công nghệ cao, tập trung vào những vấn đề sau đây:

- Dự án Luật đa dạng sinh học: Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh; nuôi sinh sản thương mại các loài thuộc danh mục loài được ưu tiên bảo vệ: phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và xã hội hoá công tác này…

- Dự án Luật cán bộ, công chức: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; cán bộ, công chức cấp xã; những người làm việc ở đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; công tác quản lý cán bộ, công chức…

- Dự án Luật quốc tịch (sửa đổi): Nguyên tắc quốc tịch và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân; việc trở lại quốc tịch Việt Nam; những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết xung đột pháp lý phát sinh từ tình trạng hai hay nhiều quốc tịch trên thực tế; về một số vấn đề lớn, thể hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; xây dựng chính sách về quốc tịch phù hợp hơn với thực trạng quan hệ về quốc tịch của nước ta với các nước trên thế giới.

- Dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi): Chính sách, quy hoạch phát triển và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thanh tra đường bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ và một số nội dung quan trọng khác.

- Dự án Luật bảo hiểm y tế: Về tên gọi và tính khả thi của Luật; tổ chức bộ máy bảo hiểm y tế; quỹ bảo hiểm y tế và cơ chế kiểm toán quỹ này; lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và một số nội dung quan trọng khác.

- Dự án Luật thi hành án dân sự: Xã hội hoá hoạt động thi hành án; mô hình tổ chức thi hành án dân sự; ngạch và tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên; việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết khiếu nại, tố cáo…

- Dự án Luật công nghệ cao: Chính sách của Nhà nước đối với công nghệ cao; ưu tiên khuyến khích phát triển công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; Chương trình quốc gia về công nghệ cao; phát triển nhân lực công nghệ cao…

Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các Uỷ ban thẩm tra với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong việc khẩn trương nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật. Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan này tiếp tục thực hiện những quy trình tiếp theo để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư sắp tới.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc đàm phán, ký kết Công ước Lahay ngày 29-5-1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế

Nuôi con nuôi là hoạt động nhân đạo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Công ước Lahay được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ xây dựng, thông qua nhằm pháp điển hoá thực tiễn quốc tế, nhất thể hoá ở mức độ cao những khác biệt trong pháp luật của các nước về nuôi con nuôi; dung hoà tối đa lợi ích các nước trong việc cho và nhận con nuôi quốc tế. Công ước Lahay còn là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước để thực hiện những mục tiêu quan trọng đã đề ra tại Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định song phương hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ. Các quy định của pháp luật Việt Nam đã dần tiệm cận với cơ chế quốc tế về giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài; từng bước phù hợp với Công ước Lahay. Do đó, việc Việt Nam gia nhập Công ước này là cần thiết, nhằm hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, phù hợp thông lệ quốc tế trong việc cho và nhận nuôi con nuôi.

3. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển.

(Văn phòng Quốc hội)