Thông cáo phiên họp thứ 26 Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá XII

20/12/2009

Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 12 năm 2009, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 26 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

Dưới đây là những nội dung cơ bản của phiên họp.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII.

- Về việc đánh giá kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII: Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan tham dự phiên họp, dư luận chung và từ thực tế kỳ họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng, kỳ họp thứ sáu đã thành công tốt đẹp, hoàn thành nội dung chương trình với chất lượng và hiệu quả cao. Công tác tổ chức, điều hành kỳ họp tiếp tục có cải tiến, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm chất lượng các nội dung xem xét, quyết định. Không khí làm việc dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Đạt được kết quả này là do sự tập trung lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan, sự đóng góp tích cực của cử tri cả nước và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

- Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII: Dự kiến Quốc hội  sẽ làm việc khoảng 30 ngày, từ 20 tháng 5 đến trung tuần tháng 6 năm 2010, để thông qua 12 luật, cho ý kiến về 12 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, hoạt động giám sát và một số vấn đề quan trọng khác.    

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của 4 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII: Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật thuế nhà, đất; Luật nuôi con nuôi để tiếp tục chỉnh lý, hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy. Đồng thời, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2010 của các cơ quan của Quốc hội và Chương trình công tác năm 2010 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Về Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2010 của các cơ quan của Quốc hội: Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, nhiều ngày kỷ niệm lớn, trong đó có sự kiện Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN, Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, do đó, chương trình hoạt động đối ngoại mang nhiều ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy quan hệ chính trị - kinh tế giữa Việt Nam và các nước. Mục tiêu hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2010 là tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, đưa quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, thiết thực hơn, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam.

- Chương trình công tác năm 2010 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội: Công tác xây dựng pháp luật năm 2010 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tập trung vào việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; chỉ đạo chuẩn bị trình xem xét, thông qua các luật và cho ý kiến các dự án luật; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và nhiệm kỳ khoá XIII; xây dựng quy trình, thủ tục để Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức cho ý kiến về các dự án luật, xem xét và thông qua pháp lệnh tại phiên họp…Công tác giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tập trung vào việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và chương trình giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội năm 2010; nghe Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban báo cáo kết quả giám sát chuyên đề; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tiến hành giám sát các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến quy trình, thủ tục chuẩn bị, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng và thực hiện các công tác khác theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao…

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010: Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tán thành nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010, yêu cầu phải bám sát các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, tập trung bố trí vốn cho các dự án, công trình cấp bách hiện đang triển khai nhanh và có khối lượng sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả trong năm 2010-2011; trong đó, cần ưu tiên tập trung cho những dự án giáo dục, y tế, nông nghiệp, nông thôn và 62 huyện nghèo, chú ý lồng ghép các chương trình, dự án để tránh trùng lắp, chồng chéo; kiên quyết loại bỏ những dự án, công trình kéo dài chưa hoàn thành thủ tục đầu tư; ngừng bố trí vốn cho những dự án kéo dài nhiều năm không triển khai, hiệu quả kém; bố trí vốn theo tiến độ giải ngân, điều chuyển vốn linh hoạt, không để tình trạng tồn ngân, chuyển nguồn lớn sang năm sau.

5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

6. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tình hình quản lý, sử dụng ngân sách phục vụ các hoạt động của Quốc hội năm 2009; quyết định phân bổ ngân sách phục vụ các hoạt động của Quốc hội và biên chế của Văn phòng Quốc hội năm 2010; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

(Văn phòng Quốc hội)