Thông cáo phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

25/03/2013

Từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 03 năm 2013, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 16 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất quyết định khai mạc kỳ họp Quốc hội vào ngày 20-5-2013, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 7 dự án luật; tiến hành giám sát tối cao; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội và một số vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ năm, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chuẩn bị các nội dung và điều kiện về mọi mặt của kỳ họp.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về 7 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, trong đó có 2 dự án luật trình Quốc hội thông qua, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và 5 dự án trình Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật tiếp công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo và dự thảo các dự án luật để gửi đại biểu Quốc hội theo quy định.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 2 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành:

- Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: tại phiên chất vấn đã có 24 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời làm rõ thêm các nhóm vấn đề sau: giải pháp khắc phục sự hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ở Tòa án các địa phương làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét xử; công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao đối với Tòa án nhân dân các cấp; biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử.

- Đối với Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo: tại phiên chất vấn đã có 23 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Bộ trưởng giáo dục và đào tại trả lời làm rõ thêm các nhóm vấn đề sau: giải pháp thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo”; chương trình hành động cụ thể khắc phục tình trạng “dạy thêm, học thêm” và “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục; giải pháp khắc phục tình hình sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc trái chuyên ngành được đào tạo; chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu của đơn vị tuyển dụng.

Phiên chất vấn đã được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, được phát thanh, truyền hình trực tiếp, kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, được đông đảo đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, theo dõi. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nêu ra nhằm tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành thời gian tới.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về Đề án tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội.

Trong những năm qua, hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả, có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động và cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của Quốc hội từ khóa IX đến nay cho thấy, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn hạn chế, bất cập, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Việc xây dựng “Đề án tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và bộ máy giúp việc Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới, đồng thời, phù hợp cới cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam, bảo đảm sự đổi mới và kế thừa trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

5. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.

 

(Văn phòng Quốc hội)