Thông cáo phiên họp thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

22/02/2014

Trong 2 ngày 20 và 21 tháng 02 năm 2014, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 25 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng..

Trong 2 ngày 20 và 21 tháng 02 năm 2014, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 25 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 4 dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và 1 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII:

- Về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi): Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; quy hoạch bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; …

- Về dự án Luật xây dựng (sửa đổi): Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh; quy hoạch xây dựng; dự án đầu tư xây dựng;  giấy phép xây dựng; hợp đồng xây dựng; ...

- Về dự án Luật công chứng (sửa đổi): Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên; độ tuổi hành nghề của công chứng viên; đối tượng miễn đào tạo nghề công chứng; chuyển đổi, chuyển nhượng tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên; ...

- Về dự án Luật đầu tư công: Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh; bố cục dự thảo luật; một số khái niệm trong dự thảo luật; hình thức đầu tư đối tác công tư; phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án; kế hoạch đầu tư trung hạn;

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam: Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về: thẩm quyền quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; Thanh tra hàng không; việc quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; thẩm quyền đóng, mở sân bay chuyên dùng; cảng vụ hàng không; bảo đảm hoạt động bay; thẩm quyền quản lý chướng ngại vật, quản lý độ cao công trình; an ninh hàng không; lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; …

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2012 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Việc lấy phiếu tín nhiệm là sự thể chế hóa chủ trương của Đảng và  quy định pháp luật, là bước tiến mới về dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; là hình thức giám sát quan trọng, có hiệu quả của cơ quan dân cử. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và kỳ họp Hội đồng nhân dân đầu năm 2013, lần đầu tiên Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đạt kết quả tốt, được cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết trên và tổng hợp ý kiến của các cơ quan, địa phương, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cũng còn gặp một số vấn đề hạn chế, vướng mắc. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục trong việc lấy phiếu tín nhiệm, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương và giao các cơ quan có liên quan nghiên cứu, chuẩn bị nội dung, tài liệu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4/2014 trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;  đồng thời, cho ý kiến về một số vấn đề khác.

(Văn phòng Quốc hội)