Thông cáo Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII

03/04/2015

Từ ngày 19 đến 21 tháng 01 năm 2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 34 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội.

Tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 05 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, gồm: Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật thú y, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật an toàn, vệ sinh lao động. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện các dự thảo luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2015).

Đối với dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), do còn một số ý kiến khác nhau về nội dung, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tích cực phối hợp tiếp thu ý kiến tại phiên họp, rà soát kỹ nội dung, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại một phiên họp sau trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật bảo đảm thi hành Luật tổ chức Quốc hội.

Về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đây là dự án sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ một số vấn đề nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, tính hình thức trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân thời gian qua; đưa ra được những quy định mới so với các quy định của pháp luật hiện hành và cơ chế, giải pháp, trách nhiệm, quyền hạn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát để hoàn thiện dự án và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại một phiên họp sau.

Về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật bảo đảm thi hành Luật tổ chức Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị của Ủy ban pháp luật về tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn để thi hành Luật tổ chức Quốc hội như các văn bản quy định về kỳ họp Quốc hội, về hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, của Ban thư ký và Tổng thư ký kỳ họp… Đồng thời, giao Ủy ban pháp luật của Quốc hội chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 02.2015.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) và việc điều chỉnh địa bàn kiêm nhiệm của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam

Về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, đến nay, Ban tổ chức IPU-132 đã căn bản hoàn thành các thời hạn cung cấp thông tin cho IPU và các đại biểu quốc tế như cam kết trong Thỏa thuận tổ chức IPU-132, phục vụ kịp thời cho quá trình phối hợp từ phía IPU và giúp đại biểu quốc tế lập kế hoạch tham dự IPU-132 theo thông lệ các kỳ Đại hội đồng trước đây. Để đảm bảo tiến độ công tác chuẩn bị tổ chức IPU-132, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các Tiểu ban sớm hoàn chỉnh các kịch bản từ mitting, điều hành, các phiên thảo luận chủ đề, lễ tân, văn nghệ, diễu hành…, rà soát và tổng duyệt; đồng thời chủ động dự báo tình hình và có các phương án giải quyết phù hợp.

Về việc điều chỉnh địa bàn kiêm nhiệm của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước khi trình Chủ tịch nước.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua việc thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Thạch Dư, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh để đảm nhận nhiệm vụ khác.

(Văn phòng Quốc hội)