THÔNG CÁO PHIÊN HỌP THỨ 37 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHOÁ XIII

15/04/2015

THÔNG CÁO

PHIÊN HỌP THỨ 37 CỦA

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHOÁ XIII

__________________

Từ ngày 06 đến ngày 10 tháng 4 năm 2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 37 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 4 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, gồm: Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện các dự thảo luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn của 5 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9, gồm: Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết và đồng ý trình các dự án luật này; đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, dự thảo luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị dự thảo Báo cáo công phu của Đoàn giám sát và cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá của Báo cáo. Tuy nhiên, việc chuẩn bị dự thảo báo cáo cần bám sát mục đích, yêu cầu của chuyên đề giám sát và làm rõ hơn những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan tư pháp về tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để đề xuất những kiến nghị xác đáng hơn. Đề nghị chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến căn bản, khắc phục triệt để các trường hợp làm oan người vô tội, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp sai phạm khác trong việc áp dụng pháp luật, bảo đảm việc bồi thường thiệt hại kịp thời cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Báo cáo và chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2016. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Tờ trình, dự thảo Nghị quyết báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) từ ngày 28-3 đến ngày 01-4-2015 tại Hà Nội.

IPU-132 và các hội nghị liên quan tại Hà Nội là sự kiện chính trị - đối ngoại có ý nghĩa quan trọng với gần 2000 khách quốc tế đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Trên cơ sở ý kiến đánh giá của các đại biểu tham dự, thực tế diễn biến Đại hội đồng, dư luận quốc tế và trong nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò nước chủ nhà cũng như thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực, trách nhiệm của IPU. Các chủ đề do Việt Nam đề xuất tại Đại hội đồng IPU lần này rất hội tụ, ý nghĩa, phù hợp và được các thành viên IPU đồng thuận, đánh giá cao. Kết quả của Đại hội đồng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của IPU, tạo dấu ấn về hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, yêu chuộng hòa bình, mến khách trong lòng bạn bè quốc tế. Thành công của IPU-132 là kết quả của sự chuẩn bị chu đáo, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực đóng góp của các cơ quan, tổ chức hữu quan và sự quan tâm theo dõi, ủng hộ của nhân dân cả nước.

6. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án và thông qua các Nghị quyết: thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành lập thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; thành lập thị xã Kỳ Anh và 06 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

7. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2018 và điều chỉnh, bổ sung một số địa bàn kiêm nhiệm của đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.