Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy - Bình Định phát biểu ý kiến
Thứ nhất, về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không ở Điều 11. Giá dịch vụ hàng không là một vấn đề đang được xã hội quan tâm, đặc biệt đối với các loại giá dịch vụ phi hàng không tại các sân bay hiện nay quá cao gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thẩm quyền quy định giá đối với một số dịch vụ như sau:
Thứ nhất, tại Khoản 6 quy định: Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh, điều hành bay đi và đến. Tuy nhiên theo Điều 8 của Nghị định 177 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật giá thì Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá cụ thể đối với các dịch vụ hàng không bao gồm: Dịch vụ cất cánh, hạ cánh, điều hành bay đi và đến, hoạt động hỗ trợ bay, soi chiếu an ninh. So sánh với quy định của pháp luật về giá với Khoản 6, Điều 11 của dự thảo luật thì có sự chồng chéo trong quy định thẩm quyền về giá. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại thẩm quyền quy định về giá theo Luật giá để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thứ hai, đối với các dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không và dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý thay vì do Bộ Giao thông vận tải định giá trên cơ sở phương pháp tính giá. Theo quy định của Bộ Tài chính, tôi đề nghị quy định Bộ Giao thông vận tải định giá sau khi có sự thống nhất của Bộ Tài chính để bảo đảm tính chính xác, khách quan và khả thi hơn.
Thứ ba, đối với dịch vụ phi hàng không, mặc dù không phải là dịch vụ thuộc thẩm quyền quy định giá của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật giá, tuy nhiên đây là vấn đề đã và đang gây nhiều bức xúc và sự quan tâm của xã hội và hành khách trong thời gian vừa qua. Do vậy ngoài việc quy định doanh nghiệp phải niêm yết giá theo quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định về cơ chế để nhà nước giữ vai trò nhất định trong việc quyết định giá dịch vụ phi hàng không, bảo đảm giá của các dịch vụ này phù hợp với thị trường, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người tiêu dùng, loại bỏ tình trạng độc quyền, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hàng không Việt Nam.
Vấn đề thứ hai, về khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến ở Điều 110. Vấn đề chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không gây bức xúc cho rất nhiều hành khách trong thời gian qua. Theo báo cáo của Cục Hàng không trong 6 tháng đầu năm đã có tới 40% chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, trong đó có nhiều nguyên nhân như cơ chế quản lý, sự cố kỹ thuật, thời tiết xấu v.v... Việc chậm, hủy chuyến đã ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian, sức khỏe, tiền bạc của hành khách, đây là những quyền lợi thiết thực của khách hàng nhưng luật hiện hành chưa có cơ chế bảo vệ.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 528 Bộ luật Dân sự thì vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên, như vậy việc chậm, hủy chuyến về bản chất là vi phạm hợp đồng vận chuyển của các hãng hàng không đối với hành khách, hành khách có quyền đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp hợp đồng bị vi phạm, nhưng Luật hàng không hiện hành chưa quy định trách nhiệm của các hãng hàng không đối với vi phạm này và chưa có quy định cơ quan chuyên ngành giải quyết khiếu kiện khi hành khách yêu cầu bồi thường. Tuy dự thảo luật đã bổ sung Khoản 4a, Điều 110 vào Khoản 6, Điều 145 với mục đích giải quyết thực trạng chậm, hủy chuyến nhưng các quy định này còn chung chung, sẽ khó giải quyết những bất cập về tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến và bồi thường cho hành khách. Để bảo vệ quyền lợi cho hành khách, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các hãng hàng không, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các hãng hàng không trong trường hợp để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến mà không vì nguyên nhân khách quan. Quy định quyền yêu cầu bồi thường của khách hàng, quy định cơ quan giải quyết khiếu nại đòi bồi thường đối với việc chậm, hủy chuyến để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Thứ ba, về trách nhiệm bồi thường ở Khoản 4, Điều 165 quy định người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường với hành lý ký gửi bị thiệt hại trong trường hợp do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hành lý ký gửi. Quy định như thế này là chưa rõ ràng, không bảo vệ quyền lợi của khách hàng và quy định này chỉ thiên về bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Trong thực tế các doanh nghiệp hàng không khi nhận hành lý ký gửi thường không làm hết trách nhiệm bảo quản, dẫn đến thiệt hại, làm hư hỏng hành lý, hàng hóa của hành khách mặc dù đó không phải là hàng dễ vỡ, dễ hỏng. Nếu đặt mạnh lý do do đặc tính tự nhiên vốn có và đặc tính khuyết tật vốn có của hành lý để giảm bớt trách nhiệm của mình là không hợp lý. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có quy định cụ thể trường hợp nào được miễn một phần, trường hợp nào được miễn toàn bộ và các căn cứ để quy định mức miễn, nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo quản hành lý của hành khách và nâng cao dịch vụ vận chuyển hàng không.