Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng: Cán bộ lãnh đạo phải có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt, đến cùng

19/11/2014

Chúng tôi tuyển dụng cán bộ lãnh đạo phải có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt, đến cùng.

ĐBQH Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh): Phòng, chống tham nhũng trong ngành giao thông – vận tải đã hiệu quả chưa?

Công tác phòng chống tham nhũng, chống thất thoát, lãng phí trong ngành giao thông vận tải đã hiệu quả chưa? Bộ trưởng sẽ còn vấn đề nào để đột phá trong thời gian tới?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi tuyển dụng cán bộ lãnh đạo phải có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt, đến cùng

Đây là một vấn đề rất lớn không những của ngành giao thông vận tải mà của tất cả các ngành. Chúng tôi đã triển khai sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đặc biệt là bài kết luận của Tổng bí thư đầu năm vừa rồi về tổng kết công tác phòng chống tham nhũng. Bộ Giao thông – Vận tải đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai, bởi nói như Tổng bí thư thì đấu tranh tham nhũng là công cuộc hết sức khó khăn, phức tạp vì liên quan đến các đối tượng có chức có quyền.

Bộ Giao thông – Vận tải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, bởi lẽ ngành giao thông – vận tải là ngành sử dụng vốn đầu tư nhiều nhất, bao gồm cả vốn từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn do người dân đóng góp thông qua việc thu phí giao thông đường bộ. Cùng với các chương trình tổng thể về triển khai kế hoạch phòng, chống tham nhũng của Trung ương, Bộ Giao thông – Vận tải đã đưa ra các giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành bằng cách: thứ nhất, xác định trách nhiệm người đứng đầu trong tất cả những việc liên quan đến quản lý, đầu tư, sử dụng. Thứ hai, thực hiện công khai, minh bạch mọi hoạt động của ngành giao thông – vận tải từ công tác cán bộ, chủ trương đầu tư, phân bổ vốn đến quá trình thực hiện, công tác đấu thầu, chọn nhà đầu tư, chọn nhà thầu, tư vấn thiết kết, tư vấn giám sát... theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Cùng với các quy định hiện hành của pháp luật, Bộ đã cụ thể hóa bằng các văn bản của ngành giao thông - vận tải như quy định cụ thể những điều mà Ban quản lý không được làm, thực hiện phân loại, xếp loại các chủ thể tham gia quá trình đầu tư dự án bao gồm cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát... Bộ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bao gồm cả trong ngành, những người trực tiếp vi phạm. Đối với các chủ thể ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu… nếu có sai phạm Bộ cũng kiên quyết xử lý và thay thế. Kể cả những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ kịp thời đề nghị các cơ quan pháp luật xử lý vi phạm.

 Trong các giải pháp đột phá, quan trọng nhất là công tác cán bộ, vì vậy Bộ đã báo cáo Chính phủ, các cơ quan của Đảng đồng tình về việc tổ chức thi tuyển công khai minh bạch các chức danh lãnh đạo như Tổng cục trưởng, Cục trưởng... vừa bảo đảm trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng lãnh đạo vừa bảo đảm phẩm chất đạo đức và đặc biệt là có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt, đến cùng.

ĐBQH Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình): Mức phí đường cao tốc hiện nay có bảo đảm hài hòa lợi ích người đầu tư và người sử dụng không?

Hiện nay quốc lộ 6 đang được Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư, cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về hình thức đầu tư này. Cử tri cho rằng, phát triển hệ thống đường bộ cao tốc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp được khoảng cách giữa các vùng miền và cho rằng, việc thu phí cần được đặc biệt quan tâm. Làm thế nào để khuyến khích được nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm hài hòa lợi ích người đầu tư và người sử dụng? Đề nghị Bộ trưởng cho biết mức thu phí trên đường bộ và đường cao tốc hiện nay có cao không?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Phí đường bộ là theo khung giá của Bộ Tài chính, không phải chúng tôi muốn thu bao nhiêu thì thu

Mức thu phí đường bộ là theo khung giá trong Thông tư của Bộ Tài chính quy định chứ không phải muốn thu cao bao nhiêu thì thu. Mức thu phí phụ thuộc tổng mức đầu tư của dự án, phụ thuộc thời gian thu vốn, lưu lượng xe... Trên cơ sở đó đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có thể là Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Đường bộ, chính quyền địa phương sẽ ký hợp đồng với nhà đầu tư và trên cơ sở đó quy định mức thu phí.

Vừa qua, một số đường cao tốc đưa vào khai thác lúc đầu cũng có ý kiến mức thu phí như vậy là quá cao, nhưng sau khi chúng tôi trao đổi với Hiệp hội Vận tải, với các doanh nghiệp thì cách tính là: thứ nhất, thời gian rút còn một nửa, trước đây xe tải đi quốc lộ 70 mất 7 - 8 tiếng, bây giờ đi quốc lộ mới thì mất khoảng 3 - 4 tiếng, thời gian giảm xuống một nửa. Thứ hai là chi phí giảm được khoảng 30%, trong đó có chi phí xăng dầu, chi phí khấu hao, chi phí bảo dưỡng. Thứ ba là tuyến đường cao tốc này thẳng, an toàn hơn. Tôi chỉ xin nói ví dụ là trước đây tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai mua vé rất khó vì rất đông người đi. Nhưng từ khi có đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đi vào khai thác thì khách đi tàu giảm xuống một nửa. Vì vậy chúng tôi phải kịp thời phối hợp với bên đường sắt điều chỉnh tăng đội tàu chở hàng như chở quặng apatit, lập ngay đề án kết nối các hình thức vận tải để chở hàng từ Quảng Ninh, Hải Phòng bằng đường sắt đi lên Lào Cai. Như vậy cũng một công đôi việc, giảm tải được cho đường bộ và cước phí giảm đi. Như vậy là rất có lợi, cước phí giảm, thời gian nhanh hơn, an toàn hơn và nhất là ai say xe trước đây phải đi quốc lộ 70 bây giờ đi đường này là vi vu và có thể nghe nhạc, làm thơ. Đã có nhạc sỹ gửi cho chúng tôi bài hát về đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đã được hát trong hôm khánh thành. Chính là một nhạc sỹ về hưu của công an nhân dân, đi trên đường cao tốc êm ru như vậy đã sáng tác bài hát.

ĐBQH Ngô Văn Hùng (Lào Cai): Năm 2015, có bao nhiêu cầu treo dân sinh được hoàn thành?

Hệ thống cầu treo phục vụ cho dân đi lại và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng cao, nông thôn, miền núi là hết sức cần thiết. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, tiến độ, chất lượng xây dựng cầu treo hiện nay ra sao? Dự kiến của Bộ trưởng năm 2015 sẽ có bao nhiêu cầu treo được hoàn thành đưa vào sử dụng trong tổng số cầu treo ở nông thôn cả nước cần phải xây dựng?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi khẳng định, trong 3 năm sẽ làm xong dứt điểm 7.811 cầu treo và cầu dân sinh trên cả nước

Về thực trạng và tiến độ xây dựng cầu treo, hiện nay, các vùng nông thôn, vùng xâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số ít người, việc đi lại của dân còn nhiều khó khăn do cách trở sông, suối, núi đồi. Vừa qua, chúng ta cũng thấy có nhiều thông tin về việc người dân đu dây qua sông, rồi qua sông bằng túi nilon... Chúng tôi hết sức xúc động và chia sẻ với những khó khăn mà đồng bào gặp phải. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã chủ động đề xuất và được Chính phủ chỉ đạo xây dựng một đề án phát triển xây dựng cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trên cả nước và hiện nay chúng tôi đang hoàn thiện đề án để trình Chính phủ với khoảng 7.811 cây cầu trên cả nước.

Hiện nay chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ cho phép đầu tư trước 186 cây cầu bằng việc ứng vốn của ngân sách năm 2015 để xây dựng. 186 cầu này, mục tiêu là đến ngày 30.6.2015 sẽ hoàn thành và chúng tôi đang tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi đã đề xuất với Thủ tướng là để làm được 7.811 cây cầu này thì vốn đầu tư cần khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Theo đó, chúng tôi dự kiến huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, gồm: các địa phương phải cùng tham gia đầu tư vì nếu theo quy định về phân cấp đầu tư hiện nay thì đường tỉnh lộ, đường huyện, đường xã và các cầu dân sinh này là trách nhiệm của địa phương. Và chúng tôi cũng hết sức chia sẻ với các địa phương có nhu cầu về xây dựng cầu này thì hầu hết là các địa phương nghèo, đều cần Trung ương cân đối ngân sách. Để các địa phương tự bơi thì rất khó khăn. Cho nên chúng tôi đã chủ động xây dựng đề án và báo cáo Chính phủ: một là, các địa phương cũng cần có sự chắt chiu, tiết kiệm để mỗi năm bỏ ra ít tiền làm cầu treo đi lại cho dân; hai là, Bộ cũng đã làm việc với các nhà tài trợ, Ngân hàng Thế giới, Jaica để cho vay làm dự án này. Chúng tôi cũng dự kiến huy động của các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký ủng hộ.

Chúng tôi khẳng định sẽ hoàn chỉnh đề án để báo cáo Chính phủ xem xét, nếu cần thiết sẽ báo cáo QH, coi đây như một chương trình quốc gia để thực hiện trong khoảng 3 năm là sẽ làm xong dứt điểm toàn bộ số cây cầu này.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội): Chuyển giao quyền khai thác các công trình giao thông quốc gia cho đối tác nước ngoài có ảnh hưởng tới lợi ích của dân, lợi ích của quốc gia hay không?

Bộ Giao thông - Vận tải đang nghiên cứu, phối hợp chuyển giao, khai thác một số công trình giao thông quốc gia như đường cao tốc, sân bay Phú Quốc, một số công trình BOT để lấy kinh phí bù đắp xây dựng các công trình khác. Cử tri băn khoăn, cách làm này có thể ảnh hưởng tới lợi ích của người dân cũng như lợi ích quốc gia. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, hiện cả nước đã và sẽ thực hiện bao nhiêu dự án chuyển giao quyền khai thác? Tiêu chí lựa chọn, điều kiện ràng buộc là gì và ưu, nhược điểm của hình thức này?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề này

Hiện nay, để tạo ra sự đột phá tiếp, Bộ Giao thông – Vận tải đang nghiên cứu việc chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng. Nghĩa là sau khi đầu tư rồi chuyển giao cho các nhà đầu tư khác quản lý khai thác và thu phí. Chúng tôi coi đây là thực hiện một đột phá, chúng tôi đã làm rồi nhưng phải làm tổng thể và làm nhiều hơn nữa. Hiện đang xây dựng một để án tổng thể để báo cáo Chính phủ trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật làm sao huy động nguồn lực này. Ví dụ đường cao tốc, chúng ta đang làm được 524km, nếu thực hiện chuyển nhượng tất cả đường cao tốc này cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thì chúng ta có tiền làm tiếp 524km nữa, và cứ thế chúng ta cuốn chiếu thì như vậy mục tiêu đến năm 2020 theo chiến lược chúng ta có 2.000km đường cao tốc thì hoàn toàn có thể an tâm.

Vấn đề đặt ra là chuyển giao công tác thu phí này thì sau này có bị thu phí cao hơn hay không? Ví dụ, Đường Sài Gòn – Trung Lương, chúng tôi đã chuyển giao 5 năm quyền thu phí, nghĩa là thu phí một lần, tiền đó tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng khác. Hiện nay một số nhà đầu tư nước ngoài họ quan tâm, xin chuyển giao toàn bộ thời gian theo hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông – Vận tải của các nhà đầu tư trước đây thì sẽ kế thừa lại toàn bộ các điều kiện mà các nhà đầu tư trước đây đã ký và họ sẽ phải thực hiện theo đúng trách nhiệm đó. Nghĩa là mức phí cũng theo quy định, theo khung giá mà Bộ Tài chính đã quy định, theo các điều kiện của hợp đồng. Muốn tăng giá cũng không thể tăng giá một cách tùy tiện được vì phải theo các điều khoản của hợp đồng cho nên không thể thu phí cao được; thứ hai là chúng ta đang hướng tới cơ chế thị trường nên việc quản lý, vận hành khai thác đường người ta muốn thuê được người Việt Nam đương nhiên giá cả phải hợp lý mới làm, chứ không phải người Việt Nam trả giá bao nhiêu cũng làm. Thực tế các nhà đầu tư nước ngoài bây giờ thuê người Việt Nam không phải vì nhân công giá rẻ mà thực sự đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề này.

(Theo Đại biểu nhân dân)