ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang): Cần khắc phục tính hình thức trong hoạt động của Hội đồng nhân dân

21/04/2015

Cho ý kiến về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nhấn mạnh phải khắc phục tính hình thức trong hoạt động của Hội đồng nhân dân.

                                                                                               Ảnh: Đình Nam

Theo nhận định của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, hiện nay hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là ở cấp huyện và xã còn mang tính hình thức rất nhiều. Nếu chúng ta không khắc phục được những bất cập, hạn chế này thì chúng ta cũng không thể phát huy được hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy phân tích, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp còn mang tính hình thức, đặc biệt là cấp huyện và xã lý do là vì luật chưa quy định chuẩn về số lượng đại biểu, cũng như số lượng đại biểu chuyên trách trong cơ cấu của Hội đồng nhân dân.

Đai biểu Nguyễn Thanh Thủy đồng tình với việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách ở cấp tỉnh trong dự thảo luật mới. Cụ thể, theo luật hiện hành quy định chỉ có 1 Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách, 1 Ủy viên thường trực. Trong dự thảo luật mới (Điều 14) đã tăng cường lên 2 Phó chủ tịch chuyên trách và Ủy viên thường trực là Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân. Việc quy định Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách là một điểm rất tiến bộ của dự thảo. Với việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách, hoạt động của Hội đồng nhân dân sẽ tăng cường được hiệu quả thực tế hơn.

Tương tự như ở cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, xã cũng cần phải có những quy định đổi mới hơn. Đại biểu chỉ ra rằng, với những quy định của luật hiện hành, Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã còn nặng về hình thức. Do đó, chúng ta cần có những sửa đổi hoàn thiện hơn hoạt động của Hội đồng nhân dân ở 2 cấp này. Không phải vì tính hình thức như hiện nay mà chúng ta bỏ chức năng Hội đồng nhân dân ra khỏi cấp huyện và xã. Đai biểu đánh giá cao việc quy định đầy đủ và chặt chẽ về cơ cấu của Hội đồng nhân dân huyện trong dự thảo luật mới, theo đó Thường trực Hội đồng nhân dân huyện gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy viên là Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân. Trưởng ban, Phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân huyện là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.  

Còn về Hội đồng nhân dân cấp xã, theo quy định trong dự thảo luật mới, cơ cấu hội đồng nhân dân xã được quy định tại Khoản 2, Điều 63: Thường trực Hội đồng nhân dân xã gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, dự luật cũng không quy định rõ là đại biểu hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm. Việc quy định như vậy khiến điều luật không chặt chẽ và khi đi vào hoạt động, Hội đồng nhân dân xã sẽ gặp những khó khăn. Đại biểu đề nghị trong dự thảo luật phải quy định chi tiết hơn về điều này.

Một vấn đề nữa góp phần làm cho hoạt động của Hội đồng nhân dân chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đó là việc chưa có các quy định cụ thể về văn phòng giúp việc của Hội đồng nhân dân. Đai biểu cũng nhấn mạnh, để mọi hoạt động đạt được hiệu quả cao thì trước hết phải kiện toàn bộ máy của nó. Kiện toàn bộ máy bằng cách phải tổ chức được bộ máy chặt chẽ, khoa học, đáp ứng được mọi sự phát triển. Phải cơ cấu tốt về bộ máy thì mới tính đến chuyện cơ cấu tốt về nhân sự. Tức là thu hút được những đại biểu tâm huyết, trách nhiệm với hoạt động của Hội đồng nhân dân. Nếu dự thảo luật lần này mà khắc phục được những điểm hạn chế như trên thì chắc chắn hoạt động của Hội đồng nhân dân sẽ không còn mang tính hình thức.

Hồ Hương lược ghi