ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương-Ninh Thuận: Đề nghị bổ sung hai nguyên tắc về xây dựng, ban hành văn bản QPPL

23/05/2015

Chiều 22/5, tại phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm hai nguyên tắc về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nguyên tắc thứ nhất là đảm bảo có đủ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành vào thời điểm văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, mặc dù tại khoản 1, Điều 10 đã quy định phải có văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành trình cùng dự án luật, nhưng đưa thêm nguyên tắc đảm bảo có đủ các văn bản đó vào thời điểm luật có hiệu lực, như vậy nó chính xác hơn.

Việc trình dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cùng với dự án luật, phần nào chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế. Bởi khi trình các dự án luật và khi được Quốc hội thông qua đến thời điểm có hiệu lực thì thời hạn còn khá dài, cho nên vẫn còn có thời gian. Hơn nữa, có những nội dung trong luật đến thời điểm ban hành mới rõ.

Nguyên tắc thứ hai là văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không được quy định thêm hay mở rộng so với văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, đây là tình trạng không phải hiếm có trong thực tế. Khi luật ban hành nhưng có một số văn bản dưới luật có quy định không hoàn toàn phù hợp với quy định của luật đồng thời quy định mở rộng thêm. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị quy định thêm nguyên tắc vào trong dự thảo Luật.

Về việc tổ chức lấy ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, tại Khoản 1, Điều 55 sau đoạn: "Cơ quan, tổ chức chủ trì trong thời gian ít nhất 60 ngày thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải góp ý kiến" phải quy định thêm “trừ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 145” bởi trong Điều 145 quy định 20 ngày. Như vậy sẽ đảm bảo tính phù hợp giữa Điều 145 với Điều 55. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định “có thể lấy ý kiến” tại Điều 145.

Về việc thẩm định nghị định, nghị quyết của Chính phủ do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cần thiết phải thành lập Hội đồng thẩm định và Hội đồng thẩm định đó phải có đại diện của các cơ quan, tổ chức khác. Bởi đây là những văn bản hết sức quan trọng.

Về quy định xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết tại Điều 71, đài biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, theo quy định tại điều này, trong trường hợp các dự án luật lớn có nhiều điểm và khoản có tính chất phức tạp thì Quốc hội có thể xem xét ở 3 kỳ họp, nhưng trong trình tự, thủ tục lại không quy định đối với các dự án luật, pháp lệnh thông qua tại 3 kỳ họp. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định này.

Về trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành quy định tại Khoản 3, Điều 143, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, quy định như vậy là quá rộng. Bởi thực tế, đối với các văn bản mới ban hành mà phải hướng dẫn để đảm bảo tính phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới thì rất nhiều và đều cần phải làm ngay. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định này.

Đức Phương

Các bài viết khác