ĐBQH Lê Thị Yến-Phú Thọ: Điều 60 Luật BHXH 2014 là một chính sách ưu việt, một xu hướng tiến bộ của xã hội

29/05/2015

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến-Phú Thọ đã đánh giá như vậy trong bài phát biểu ở Hội trường về Điều 60 Luật BHXH 2014. Đại biểu cũng đưa ra 4 đề xuất, kiến nghị về vấn đề này.

Phân tích về chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014, đại biểu Lê Thị Yến cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội là một trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, chăm lo đến đời sống của người lao động và góp phần vào ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội của mỗi quốc gia.

Việc thông qua Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII đã khắc phục cơ bản những hạn chế bất cập về chính sách chế độ thực thi trong thời gian vừa qua; tiếp cận một cách đầy đủ hơn bảo hiểm xã hội của khu vực và thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế; đáp ứng tốt hơn quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng bảo hiểm xã hội của người dân, vì mục tiêu an sinh xã hội của mọi công dân.

Quan điểm, mục tiêu xây dựng, nội dung Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 là hoàn toàn đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cũng như thực hiện theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Nội dung của điều luật phù hợp với xu hướng phát triển chung đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Điều 60 cũng góp phần làm gia tăng hơn nữa tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm xã hội theo các loại hình bảo hiểm xã hội một cách ổn định và bền vững; thu hẹp dần và hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, nhằm đảm bảo một hệ thống an sinh xã hội bền vững trong dài hạn.

Ngoài ra, quy trình, thủ tục xây dựng dự án luật từ khâu soạn thảo đến khâu thẩm tra, lấy ý kiến tiếp thu, chỉnh lý và thông qua Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đều được đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Thị Yến đánh giá: “Có thể nói nội dung Điều 60, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 là một chính sách ưu việt, là một xu hướng tiến bộ của xã hội”.

Đại biểu cho rằng, trong tình hình thực tế hiện nay, quy mô và số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng rất mạnh, nếu năm 2007 số hưởng bảo hiểm xã hội một lần chiếm tỷ lệ 18,92% so với số mới tham gia bảo hiểm xã hội trong năm, tương ứng khi tỷ lệ này tăng lên 138,87% năm 2013 và 107,75% năm 2014.

Theo thống kê, phần lớn người lao động rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội để nhận bảo hiểm xã hội một lần là những người lao động có số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa nhiều hoặc do có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm, chủ yếu họ là lao động từ khu vực nông thôn đi làm tại các khu công nghiệp, không ít trong số họ làm công việc ngắn hạn và thời vụ.

Việc nhận thức bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tích lũy số năm đóng bảo hiểm xã hội cần thiết khi họ tiếp tục làm việc trong khu vực trả lương để hội đủ các điều kiện hưởng lương hưu còn hạn chế. Bởi vậy, trong thời gian vừa qua một bộ phận người lao động đã ngừng việc do chưa đồng tình với quy định tại Điều 60 về bảo hiểm xã hội một lần theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Mặc dù, chính sách bảo hiểm xã hội này đến ngày 1/1/2016 mới áp dụng.

Để đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động, đại biểu Lê Thị Yến cho rằng: trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.

Đại biểu Lê Thị Yến đề nghị: Thứ nhất, Quốc hội cần ra một Nghị quyết kéo dài điểm c, Khoản 1, Điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.

Thứ hai, trong thời gian tới cần phải xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn. Nếu không xu hướng nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ tiếp tục tăng cao như trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, Chính phủ cần xây dựng một lộ trình để nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động để giảm dần số người không có lương hưu khi về già.

Thứ tư, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và có nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa để tuyên truyền phổ biến và giải thích đúng bản chất, đúng ý nghĩa mục tiêu, quan điểm của chính sách bảo hiểm xã hội để người lao động hiểu rõ lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo cuộc sống khi về già, cân nhắc nhằm có sự lựa chọn tốt nhất cho quyền lợi của mình.

Đức Phương lược ghi

Các bài viết khác