Ý KIẾN ĐBQH TỈNH BÌNH THUẬN: VỀ HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH VNEN TẠI VIỆT NAM

04/05/2018

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, về hiệu quả của mô hình VNEN triển khai tại Việt Nam trong thời gian qua và kế hoạch triển khai mô hình này trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chất vấn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày 01/11/2017, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận về hiệu quả của mô hình VNEN triển khai tại Việt Nam trong thời gian qua và kế hoạch triển khai mô hình này trong thời gian tới.

Mô hình giáo dục VNEN mới nhằm nâng cao tính chủ động của học sinh trong quá trình học tập của bản thân (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Toàn bộ nội dung chất vấn như sau:

Ý kiến cử tri cho rằng: Mô hình trường học mới VNEN không hợp với "thổ nhưỡng" giáo dục Việt Nam; chương trình VNEN: giáo viên, học sinh đang "lạc đường". Nhiều tỉnh đã quyết định dừng triển khai chương trình này ở địa phương; nhiều trường, nhiều tỉnh rơi vào tình trạng"tiến, thoái, lưỡng nan"... đã gây tâm trọng lo lắng đối với các bậc phụ huynh.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết: Hiệu quả của mô hình VNEN triển khai ở Việt Nam trong thời gian qua như thế nào? kế hoạch triển khai mô hình này trong thời gian tới ra sao khi mà một số tỉnh đã quyết định dừng triển khai ở địa phương?

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nội dung trả lời chất vấn như sau:

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

1Bản chất của mô hình trường học mới VNEN là thay đổi phương thức dạy học thông qua việc đổi mới hình thức tổ chức lớp học (tăng tính tự quản, học tập theo nhóm của học sinh) và đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh (học sinh học theo nhóm tìm tòi khám phá kiến thức dưới sự hỗ trợ của giáo viên); đây là phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm có thể giúp học sinh qua quá trình học tập, rèn luyện có thể phát triển được phẩm chất, năng lực.

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá để đưa ra kết luận về những ưu điểm, hạn chế của mô hình này.

Các ưu điểm của mô hình này là:

- Giáo viên thực hiện chuyển đổi từ truyền thụ kiến thức một chiều sang sang tổ chức, hưỡng dẫn học sinh các học, tự học, thúc đẩy các nhóm và từng cá nhân học sinh hoạt động tích cực; tạo môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ, hợp tác giữa các thành viên trong lớp học, nhà trường và cộng đồng, nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực của học sinh.

- Học sinh được phát huy vai trò chủ thể của quá trình học tập, biết cách học; chủ động, tích cực tham gia vào quá trình học tập theo tiến độ của bản thân; chủ động, tự tin; biết tương trọ nhau trong học tập để cùng tiến bộ...

- Nhận thức của nhiều cha mẹ học sinh về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cái được thay đổi.

Mô hình VNEN cũng có những han chế sau:

- Công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả, chưa đa dạng, chưa tạo được sự đồng thuận của cán bộ các cấp và cộng đồng; chưa cụ thể hóa chỉ đạo để sát với thực tiễn. Công tác chỉ đạo triển khai mô hình VNEN còn máy móc, thiếu linh hoạt.

- Một số giáo viên chưa thực hiện được vai trò là người hướng dẫn học sinh học, tự học, chưa thực hiện đúng tinh thần dậy học lấy học sinh làm trung tâm... Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học còn máy móc, chưa linh hoạt, sáng tạo, phụ thuộc vào tài liệu dạy học.

- Môi trường học và hướng dẫn học sinh còn hình thức, chưa bảo đảm cho việc thực hiện phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo mô hình VNEN...

- Một số học sinh không theo kịp chương trình giáo dục, nhất là học sinh vùng khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số; kết quả học tập chưa thực sự đồng đều, học sinh khá, giỏi được phát huy nhưng học sinh trung bình, học sinh học yếu hoặc rụt rè chưa kịp tiếp nhận nội dung bài học.

Nguyên nhân của những khó khăn trên là do lộ trình triển khai mô hình còn chưa phù hợp; có nơi triển khai nóng vội, còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt hiệu quả mong muốn. Một số địa phương, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng một cách chu đáo; một số bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc, chưa phù hợp với thực thế của cơ sở giáo dục.

2.  Để triển khai mô hình trường học đạt chất lượng và hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18/8/2016 và Công văn số 3459/BGDĐT-GDtrH ngày 08/8/2017, yêu cầu:

- Rà soát, đánh giá, chỉ ra các bất cập và đưa ra các giải pháp trong quá trình triển khai mô hình trường học mới tại địa phương, trong đó căn cứ vào các điều kiện tối thiểu để triển khai mô hình trường học mới về giáo viên, cán bộ quản lý và điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

- Xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trường học  mới tại địa phương từ năm học 2017 - 2018.

- Tổ chức tốt công tác truyền thông; tăng cường tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ việc áp dụng mô hình trường học mới. Trong đó, yêu cầu chấn chỉnh kịp thời theo quy định đối với các trường triển khai mô hình trường học mới khi chưa đảm bảo điều kiện....

Toàn bộ văn bản chất vấn xin xem tại file đính kèm./.

Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội

File đính kèm
Các bài viết khác