ĐBQH NGUYỄN THANH XUÂN – TP.CẦN THƠ: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ PHÂN TÍCH CĂN CƠ NGUYÊN NHÂN, GIẢI PHÁP HỢP LÝ ĐỂ ĐẨY MẠNH TỐC ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CƠ BẢN NĂM 2017 VÀ CÁC THÁNG ĐẦU NĂM 2018

25/05/2018

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân - TP Cần Thơ phát biểu tại Hội trường

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân - TP Cần Thơ đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, cũng như những giải pháp cho các tháng còn lại của năm 2018 rất đầy đủ, có chiều sâu, có số liệu minh chứng thuyết phục. Có thể nói bức tranh kinh tế, xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 rất sáng, tạo một niềm tin lớn cho cử tri về sự phát triển kinh tế, xã hội năm 2018 và tạo đà cho những năm tiếp theo. Tiếp tục góp ý kiến cho Chính phủ, đại biểu góp ý một vài nội dung sau đây:

Thứ nhất, về tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất khẩu, năm 2017 là năm thành công và chỉ tiêu GDP đạt 6,81% vượt kế hoạch và đầu năm 2018 là 3,38% cao nhất trong 10 năm qua. Điều này tạo nên một áp lực cho những tháng còn lại của năm 2018. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra chất lượng tăng trưởng như thế nào, tính bền vững của tăng trưởng ra sao, tỷ trọng, tỷ lệ tăng trưởng giữa các khu vực như từ khai thác tài nguyên, đầu tư nước ngoài, kiều hối và thành phần kinh tế trong nước v.v... đóng góp như thế nào.

Tương tự như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 cũng tăng rất tích cực, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng đạt 214 tỷ đôla và trong đó chủ yếu các mặt hàng từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như điện thoại di động và linh kiện hơn 53,5 tỷ đôla, dệt may gần 30 tỷ đôla và máy tính điện tử linh kiện gần 30 tỷ đôla, lâm nghiệp hơn 36 tỷ đôla, như vậy tính bền vững sẽ như thế nào. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị Chính phủ có phân tích sâu hơn về chất lượng tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất khẩu giúp Quốc hội và cử tri nhìn tốt hơn về tăng trưởng, qua đó giúp Chính phủ xem xét chỉ đạo và đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng của từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có ý nghĩa đảm bảo tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường sáng 25/5

Thứ hai, về chậm giải ngân vốn đầu tư cơ bản năm 2017 và các tháng đầu năm 2018. Năm 2018 vốn ngân sách nhà nước chỉ giải ngân được 86,8%, vốn trái phiếu chính phủ đạt 45% kế hoạch. Đặc biệt trong quý I năm 2018 mới đạt 16,3% và tình hình giải ngân này chắc chắn tác động đến tiến độ dự án công trình trọng điểm quốc gia, như sân bay Long Thành, đường cao tốc phía Đông, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ v.v...Các dự án này sẽ khó hoàn thành đúng kế hoạch, dẫn tới hậu quả có thể làm tăng chi phí đầu tư, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Lý giải của Chính phủ về chậm giải ngân của đầu năm 2018 là do các bộ, ngành tập trung giải ngân vốn năm 2017 và ảnh hưởng có Tết Nguyên đán xem ra không thuyết phục. Đề nghị Chính phủ phân tích căn cơ nguyên nhân, giải pháp hợp lý để đẩy mạnh tốc độ giải ngân, tránh lặp lại trong những năm tiếp theo nhằm hoàn thành các công trình dự án đầu tư đúng kế hoạch.

Thứ ba, trong năm 2017 và đầu năm 2018, nhiều vấn đề bức xúc đã xảy ra trong xã hội. Những vấn đề về giáo dục, đào tạo, liên quan đến đạo đức người dạy, người học, cả phụ huynh và thày cô giáo, vấn đề trật tự, an toàn xã hội bất an trong cuộc sống, hành vi vi phạm nguyên tắc chuẩn mực xã hội, vi phạm pháp luật chi phối đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử trong xã hội đã gây nên nhiều quan tâm, lo lắng trong lòng nhân dân. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có phân tích, đánh giá đầy đủ các mặt của các vấn đề trên, nguyên nhân do đâu, có phải do quản lý yếu kém, do nhận thức của xã hội hay do cơ chế, chính sách, do pháp luật về tính khả thi và hiệu quả của nền giáo dục? Từ đó đề xuất giải pháp có thể khắc phục và hạn chế vấn đề nhanh nhất trong thời gian tới.

Thứ tư, vấn đề đào tạo và sử dụng lao động, chất lượng đào tạo và việc làm của người tốt nghiệp. Vấn đề người học ra trường không có việc làm và đào tạo thấp xảy ra lặp đi lặp lại nhiều năm qua, trở thành nỗi lo lớn của người dân, cử tri phản ánh thường xuyên qua các đợt tiếp xúc cử tri. Vấn đề này có tác động lớn đến đời sống xã hội nhưng chưa được đề cập và phân tích đúng mức trong báo cáo của Chính phủ, câu hỏi được đặt ra có phải do chưa xác định được việc thành lập các cơ sở giáo dục và đào tạo trong vấn đề xác định chỉ tiêu đào tạo ở các trình độ, nhất là trình độ đại học. Từ đó sự phân luồng đào tạo ở bậc cao đẳng và cao đẳng nghề, trung cấp, v.v... không phù hợp, dẫn đến mất cân đối lực lượng lao động theo ngành nghề và không có việc làm. Đại biểu mong muốn Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo có câu trả lời cho vấn đề này cho cử tri và có giải pháp khắc phục nhanh và căn cơ trong thời gian sắp tới.

Thứ năm, mặc dù nông nghiệp năm 2017 đã có tăng trưởng tốt, đạt 2,9% và tăng so với năm 2016 là 1,36%. Kim ngạch xuất khẩu hơn 36 tỷ USD, đặc biệt là nhiều ngành hàng mới được xuất khẩu đạt kim ngạch cao. Người dân đánh giá cao sự cố gắng của ngành nông nghiệp trong năm qua. Tuy vậy, làm nông nghiệp vẫn còn nhiều nỗi lo, đó là chưa tạo được sự gắn kết hiệu quả giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thị trường vẫn còn phải giải quyết nông sản. Công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả, thương hiệu nông sản xây dựng quá chậm. Các nước nhập khẩu luôn áp đặt các hàng rào kỹ thuật để gây khó cho sản phẩm của nước ta. Ví dụ như Châu Âu phạt thẻ vàng về đánh bắt cá bất hợp pháp, không được quản lý, không báo cáo, v.v... mà hiện chưa khắc phục xong. Tất cả những yếu kém này làm người sản xuất nông nghiệp luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng. Đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp nhanh chóng có giải pháp đúng, mạnh, đột phá về dự báo thị trường, liên kết trong chuỗi sản xuất và nhanh chóng xây dựng thương hiệu để vượt qua và thực trạng này không còn lặp lại trong thời gian sắp tới.

Vân Ngọc

Các bài viết khác