ĐBQH LÊ THỊ NGUYỆT- VĨNH PHÚC: CẦN BỔ SUNG NGUYÊN TẮC ĐẢM BẢO BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ THẢO LUẬT QUỐC PHÒNG (SỬA ĐỔI)

25/05/2018

Tại phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) vào chiều 22/05, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt- tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) cần bổ sung thêm nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong nguyên tắc hoạt động quốc phòng.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt- tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu ý kiến tại Hội trường

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt- tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội, bố cục hợp lý, có tính hệ thống, phản ánh đúng quan điểm sửa đổi luật và đạt được mục đích là tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu tỉnh Sóc Trăng đã góp ý một số vấn đề nhằm hoàn thiện dự thảo luật như sau:

Về nguyên tắc hoạt động quốc phòng Điều 4. Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cố gắng lồng ghép bình đẳng giới thể hiện ở quy định về quyền và nghĩa vụ công dân về quốc phòng ở Điều 6, khoản 6 Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, do đặc thù Luật Quốc phòng là luật khung quy định nguyên tắc làm cơ sở cho các luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực quốc phòng như Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân, Luật dân quân tự vệ... Do vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong nguyên tắc hoạt động quốc phòng vì đây là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa những quy định về bình đẳng giới trong các luật khác thuộc lĩnh vực quốc phòng.

Về hỗ trợ tạo điều kiện có chính sách đặc thù riêng cho nam nữ quân nhân công tác tại biên giới hải đảo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chính sách hỗ trợ cho quân nhân và gia đình trong việc điều chuyển công tác đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng tuyển sinh đào tạo đối tượng tham gia hệ thống giáo dục thuộc lĩnh vực quốc phòng là nữ giới.

Về chính sách hậu phương quân đội, theo đại biểu dù trong thời chiến hay bình cũng đều rất quan trọng. Tuy nhiên, việc này quy định trong dự thảo luật còn mờ nhạt. Hậu phương quân đội chủ yếu là phụ nữ, người già, nên dự thảo luật cần những chính sách cụ thể quy định chi tiết hơn nữa về vấn đề này trong các Luật Quốc phòng, từ đó cũng là cơ sở để xây dựng và điều chỉnh chính sách hậu phương quân đội trong các luật đã ban hành cũng như các luật dự kiến sẽ ban hành.

Ngoài ra, về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và ngược lại, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc nhất trí với quy định của dự thảo vấn đề này thành 1 nguyên tắc tại khoản 4 Điều 4 và cụ thể hóa tại Điều 16 của dự thảo luật để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và ngược lại. Theo đại biểu, việc quy định nguyên tắc, chính sách lớn về sự kết hợp 2 chiều giữa quốc phòng và kinh tế - xã hội thể hiện sự gắn kết giữa 2 lĩnh vực này, có thống nhất quản lý điều hành của nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường nguồn lực nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. 

Thu Phương

Các bài viết khác