ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGÔ TRUNG THÀNH - ĐẮK LẮK: ĐỀ NGHỊ CẦN QUY ĐỊNH RÕ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG Ở ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM VỀ QUỐC PHÒNG

25/05/2018

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 22/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành - Đắk Lắk đề nghị cần quy định rõ các dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng.

Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành đánh giá cao bản báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật. Đồng thời, đại biểu cũng tham gia một số ý kiến nhằm hoàn chỉnh thêm dự án luật.

Về vấn đề kinh tế - xã hội và kinh tế xã hội với quốc phòng thể hiện tại Điều 16 của dự thảo luật. đại biểu đánh giá ở Điều 16 này có 2 nội dung lớn. Thứ nhất là kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội và nội dung thứ hai là kinh tế, xã hội với quốc phòng. Thế nhưng thể hiện nhiệm vụ này ở khoản 2 Điều 16 có 6 điểm, các điểm b, c cho đến e chỉ đề cập đến vấn đề kết hợp giữa kinh tế, xã hội với quốc phòng. Điểm a thì có cả kinh tế, xã hội với quốc phòng cũng như quốc phòng với kinh tế, xã hội. Tôi thấy nhiệm vụ này thiếu vắng nội dung, nhiệm vụ quốc phòng với kinh tế, xã hội. Điểm này chúng ta cần phải bổ sung thêm cho dầy dặn hơn nhiệm vụ kết hợp giữa phát triển kinh tế với nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta là quốc phòng.

Còn nội dung cụ thể liên quan quan đến nhiệm vụ kết hợp giữa kinh tế quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, xã hội, tại khoản 2 điểm d có quy định là bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch dự án phải được Bộ Quốc phòng và cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phối hợp thẩm định. Chúng ta mới ban hành Luật Quy hoạch có nội dung liên quan đến quy hoạch ở 2 cấp thẩm định. Đối với quy hoạch quốc gia và quiy hoạch vùng thì Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định. Còn đối với quy hoạch tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định. Các cơ quan bộ, ngành khác nếu có chỉ có tham gia ý kiến thôi chứ không phải là thẩm định và thẩm định là một hội đồng độc lập. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên chỉnh sửa điểm d khoản 2 Điều 16 để đảm bảo tính thống nhất với Luật Quy hoạch. Chỉ quy định là bộ, ngành, địa phương khi xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch dự án phải được Bộ Quốc phòng và cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ tham gia ý kiến. Như vậy, bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch.

Tại Điểm e khoản 2 có quy định, dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ cho nhu cầu quốc phòng. Đây là một nội dung quan trọng trong việc kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy nếu chúng ta quy định cứng thế này toàn bộ các dự án đầu tư xây dựng địa bàn trọng điểm quốc phòng phải có tính lưỡng dụng thì quá cứng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc nên giới hạn ở những loại dự án nào và  cần rõ ràng những dự án, vì quy định bắt buộc nên cần quy định rõ địa bàn trọng điểm của quốc phòng là như thế nào; đồng thười cần bổ sung vào phần giải thích từ ngữ cho rõ để rõ về mặt chính sách.

Nội dung thứ hai, khoản 1 Điều 15 quy định về đối ngoại quốc phòng. Đại biểu cho rằng Luật giải thích về cụm từ đối ngoại quốc phòng, nhưng đọc quy định tại khoản 1 không thể hiện điều này: "Đối ngoại quốc phòng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới". Ở đây nếu có là nguyên tắc trong đối ngoại quốc phòng chứ không phải đối ngoại quốc phòng, đề nghị rà soát lại để đảm bảo thêm chính sách của ta về đối ngoại quốc phòng.

Liên quan đến cụm từ "kinh tế, xã hội với quốc phòng" trong luật này có một số điểm dùng cụm từ như Điều 37 nói "kinh tế, xã hội, an ninh đối ngoại với quốc phòng" nhưng những chỗ khác như Điều 16 chỉ nói "kinh tế, xã hội với quốc phòng" vì vậy đề nghị rà soát sử dụng cho thống nhất. Có thể an ninh đối ngoại nằm trong kinh tế - xã hội rồi, nên chỉ nói kinh tế, xã hội với quốc phòng là kết hợp toàn bộ cả an ninh cả đối ngoại. Còn nếu chẻ nhỏ ra thì phải chẻ tất, những chỗ nào có kinh tế, xã hội phải thêm cụm từ "an ninh đối ngoại" để đảm bảo thống nhất trong dự thảo luật.

Hồ Hương

Các bài viết khác