ĐBQH PHAN THÁI BÌNH - QUẢNG NAM: DỰ THẢO LUẬT QUỐC PHÒNG (SỬA ĐỔI) KHÔNG NÊN QUY ĐỊNH ĐÓNG KHUNG NỘI DUNG XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN GỒM 11 ĐIỂM

26/05/2018

Chiều 22/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) trong phiên họp toàn thể tại hội trường. Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Quảng Nam cho rằng dự thảo Luật không nên quy định đóng khung nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gồm 11 điểm.

ĐBQH Phan Thái Bình- Quảng Nam phát biểu

Cơ bản thống nhất cao với dự thảo Luật và ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình- Quảng Nam đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện dự án Luật, cụ thể:

Nội dung thứ nhất, về chính sách của nhà nước về quốc phòng quy định tại Điều 5, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát lại nội dung tại điểm 4 Điều 5 là "Huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng". Trong khi đó tại điểm 2 Điều 3 quy định "Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng". Theo đại biểu tại điểm 4 Điều 5 nên bỏ từ "trong nước" bởi các lý do sau: Thứ nhất là để phù hợp với khoản 2 Điều 3; Thứ hai là chúng ta đang trong giai đoạn hợp tác và mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng; Thứ ba là trong thực tiễn lịch sử của đất nước ta, trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc thì chúng ta cũng tranh thủ rất nhiều nguồn lực từ bạn bè quốc tế ủng hộ ta. Do vậy, chúng ta không nên quy định là "huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng", bỏ chữ "trong nước", sửa lại là "huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng", để chúng ta thuận lợi trong từng giai đoạn lịch sử và huy động vấn đề gì thì chúng ta chủ động. Ví dụ như con người chúng ta không huy động, nhưng về cơ sở vật chất, về các nguồn lực khác thì chúng ta có thể huy động để khỏi bị vướng và phù hợp với khoản 2 Điều 3.

Nội dung thứ hai, tại khoản 2 Điều 8 quy định về nền quốc phòng toàn dân, đóng khung ở trong luật là nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gồm 11 điểm từ điểm a cho đến điểm l. Đại biểu bày tỏ sự phân vân ở vấn đề này. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có nên quy định đóng khung như thế này không, nghĩa là ngoài 11 điểm này sẽ không có điểm nào khác về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Theo đại biểu, sửa lại điểm 2 này theo hướng những nội dung chủ yếu hoặc những nội dung cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, hoặc chúng ta bổ sung một điểm là những nội dung khác theo quy định của pháp luật để trong từng thời kỳ sự tồn tại, tính khả thi của luật cao, trong từng giai đoạn chúng ta có thể vận dụng linh hoạt điều này, không phải đóng khung ở 11 điểm.

 

Hồ Hương

Các bài viết khác