ĐBQH NGUYỄN HỮU TOÀN – LAI CHÂU: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ RÀ SOÁT LẠI TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI DNNN, DANH MỤC DNNN CỔ PHẦN HÓA

30/05/2018

Chiều 28/5, tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn - Lai Châu đề nghị Chính phủ rà soát lại tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thu hẹp nhóm ngành, lĩnh vực, số lượng doanh nghiệp mà nhà nước cần duy trì 100% vốn nhà nước và giữ cổ phần chi phối.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn - Lai Châu phát biểu tại Hội trường

Qua nghiên cứu, đại biểu đánh giá cao và cơ bản nhất trí với báo cáo của đoàn giám sát. Có thể nói, báo cáo của đoàn giám sát đã đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2016 cả những mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời kiến nghị những giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy việc cơ cấu lại cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đại biểu xin tham gia một số ý kiến làm rõ và kiến nghị như sau:

Một là, về tiêu chí doanh nghiệp nhà nước và tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà nước. Đây là một nội dung chính sách hết sức quan trọng để đưa ra lộ trình củng cố doanh nghiệp nhà nước cần nắm giữ, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp một cách thực chất. Qua quá trình thực hiện cổ phần hóa đã có nhiều lần thay đổi về các tiêu chí phân loại doanh nghiệp. Đến cuối năm 2016 chúng ta vẫn còn trên 580 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn nhà nước và nhiều doanh nghiệp khác nhà nước có cổ phần, dàn trải trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Đối với những doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2016, với 426 doanh nghiệp đã cổ phần hóa thành công, tỷ lệ vốn trung bình nhà nước nắm giữ còn ở mức rất cao, tới 81%. Nhiều cử tri cho rằng cổ phần hóa như vậy mang tính hình thức, không đạt mục tiêu huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào doanh nghiệp và đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị Chính phủ rà soát lại tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thu hẹp nhóm ngành, lĩnh vực, số lượng doanh nghiệp mà nhà nước cần duy trì 100% vốn nhà nước và giữ cổ phần chi phối, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về an ninh, quốc phòng, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đối với những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, kiên quyết thoái toàn bộ 100% vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đủ để đổi mới quản trị doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng về vốn, công nghệ, tạo động lực phát triển doanh nghiệp. Trên cơ sở đó công khai, minh bạch danh mục, lộ trình cổ phần hóa thoái vốn theo cơ chế thị trường để tối đa hóa giá trị bán vốn nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp chiều 28/5

Hai là, về sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, thu cổ tức của doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay các khoản thu trên được đưa vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp, phát triển doanh nghiệp, nhiều khoản chi sử dụng quỹ chưa theo quy trình quản lý ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2016-2020 Quốc hội đã quyết định sử dụng 250.000 tỷ từ nguồn thu này hòa chung vào thu ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án đầu tư công trung hạn. Trong thời gian tới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được đẩy mạnh thì nguồn thu của quỹ còn lớn hơn rất nhiều. Nếu tiếp tục sử dụng theo phương thức trên thì số thu từ cổ phần hóa, bán vốn nhà nước phần lớn sẽ được sử dụng để chi đầu tư cho các dự án đầu tư công, nhiều dự án không có khả năng tái tạo nguồn vốn. Do vậy, đề nghị Quốc hội cần luật hóa các khoản thu chi của quỹ để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời định hướng sử dụng nguồn vốn của quỹ để tập trung đầu tư vào một số dự án, cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ vốn, tạo nguồn để tái đầu tư, đồng thời tạo lan tỏa, dẫn dắt các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba, về đầu tư của nhà nước ra nước ngoài đến hết năm 2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra nước ngoài 110 dự án, số vốn thực hiện trên 7 tỷ USD. Song, chỉ có 4/18 tập đoàn, tổng công ty có phát sinh số tiền trên 1 tỷ rưỡi đôla thu hồi từ các dự án đầu tư bằng 22% số vốn đã thực hiện. Nhiều dự án đang rủi ro, nguy cơ mất vốn cao. Thực tế cho thấy, việc quản lý vốn đầu tư trong nước đã khó khăn thì việc quản lý vốn đầu tư ở nước ngoài còn khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết báo cáo Quốc hội đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài, có giải pháp xử lý, cơ cấu lại để thu hồi vốn đầu tư, hạn chế tối đa thiệt hại, thất thoát vốn. Đồng thời, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách, siết chặt điều kiện đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài để đảm bảo hiệu quả, hướng nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo đúng mục đích, tôn chỉ của doanh nghiệp nhà nước đã đặt ra.

Bốn, vừa qua, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 12 của Trung ương xác định rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để nghị quyết của Quốc hội được thực thi đồng bộ với việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đề nghị trên cơ sở kết quả giám sát cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các giải pháp, bổ sung thêm một số nội dung, giao Chính phủ xây dựng cơ chế, lộ trình để triển khai thực hiện và hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn ở những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ theo định hướng tại Nghị quyết 12 của Trung ương tránh kéo dài làm thất thoát và trầm trọng thêm thất thoát vốn. Trên cơ sở đó, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ có điều kiện giám sát kết quả, quá trình triển khai thực hiện. 

Vân Ngọc

Các bài viết khác