ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG - BẾN TRE: XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA KHÔNG THỂ XỬ LÝ HÀNH CHÍNH VÌ KHÁCH THỂ AN NINH QUỐC GIA LÀ KHÁCH THỂ ĐẶC BIỆT

30/05/2018

Sáng 29/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chủ trì phiên họp. Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, xâm phạm an ninh quốc gia không thể xử lý hành chính vì khách thể an ninh quốc gia là khách thể đặc biệt.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên họp

Góp ý về dự án Luật An ninh mang, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, an ninh quốc gia là vấn đề vô cùng quan trọng đã được quy định rất rõ ràng tại Điều 11 của Hiến pháp, không ai có thể phủ nhận việc bảo vệ an ninh quốc gia là một trách nhiệm cao cả. Vấn đề đó, không chỉ tồn tại ở luật này mà còn tồn tại ở nhiều luật khác.

Theo quan điểm của đại biểu, mục đích chính của luật này nhằm chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia nhưng cần bổ sung vấn đề trật tự an toàn xã hội và ở đây người ta chống sử dụng hạ tầng không gian mạng và các biện pháp, các thao tác khoa học, công nghệ, đặc biệt công nghệ cao để xâm phạm vào chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, nhằm lấp một khoảng trống mà bản thân Luật An toàn thông tin mạng chưa khắc phục được. Chính vì vậy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã nêu ra 2 vấn đề rất quan trọng cần phải hết sức lưu tâm đó là:

Một, như thế nào là hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên mạng. Theo quan điểm của đại biểu phải quy định rõ những điều cấm về vấn đề này, phải liệt kê được ít nhất là các nhóm cấm về vấn đề này. Đây là vấn đề quan trọng nhất bởi nó sẽ cảnh báo cho các chủ thể biết rằng đấy là những vấn đề ở quốc gia Việt Nam không chấp nhận và nếu xâm phạm vào thì lập tức có vấn đề thứ hai là các biện pháp xử lý, cao nhất là xử lý về mặt hình sự. Đại biểu cho rằng nếu đã xâm phạm an ninh quốc gia thì phải là hình sự, không bàn đến hành chính. Chỗ này tôi thấy có một số đại biểu nói rằng xử lý hành chính, tôi nghĩ không đúng. Đã xâm phạm an ninh quốc gia thì làm sao có câu chuyện xử lý hành chính. Khách thể an ninh quốc gia là khách thể đặc biệt thì sao lại xử lý hành chính.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 29/5

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị phải cân nhắc giữa 2 vấn đề: Một là luật ra đời phải bảo vệ được an ninh chủ quyền quốc gia, bảo vệ sự an toàn của chính thể, của Tổ quốc, đất nước và trong đó có các quyền cơ bản của công dân, quyền của doanh nghiệp, quyền của các chủ thể trong xã hội. Hai là phải bảo vệ được các quyền cơ bản của công dân, sự tự do của công dân, doanh nghiệp mà Hiến pháp đã quy định, các điều luật như Điều 21, 23, 51, 53 chúng ta đã quy định rất rõ là quyền công dân bất khả xâm phạm, quyền doanh nghiệp và tất cả công dân và doanh nghiệp có một nguyên tắc rất rõ là được quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Chính vì vậy, đã có luật thì phải quy định rõ điều cấm, doanh nghiệp và công dân không được quyền xâm phạm các điều cấm đó, kể cả chủ thể nước ngoài cũng không được xâm phạm vào các điều cấm đó, nó liên hệ với nhau rất rõ ràng thì phải cân rất rõ, chúng ta giúp doanh nghiệp ở điểm nào và chúng ta có hạn chế doanh nghiệp không? Chúng ta giúp công dân điểm nào và có bảo vệ được công dân hay không? Chúng ta giúp Tổ quốc, chúng ta bảo vệ được an toàn hay không hay chúng ta làm phiền đến những câu chuyện khác. Chỗ này luật phải giải đáp được.

Hai, về hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, đại biểu cho biết, hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phải là một bộ phận của hệ thống thông tin quốc gia. Đó là nguyên tắc, một tỉnh phải là một bộ của quốc gia, nhưng cấp độ quan trọng hơn, do đó nó được bảo vệ quan trọng hơn. Chính vì thế cho nên nó được bảo vệ ở mức độ bảo mật cao hơn. Đại biểu cho rằng hệ thống thông tin không chỉ ở trong luật này mà ở chính trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cũng đã quy định. Ví dụ, các hệ thống thông tin có liên quan đến Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đó là những nơi phải bảo mật rất quan trọng và có phân loại về tài liệu mật, chỗ đó đã có quy định. Theo đại biểu, nếu đã là những vấn đề quan trọng thì cần phải được quy định trong luật.

 

Mai Trang

Các bài viết khác