ĐBQH CAO ĐÌNH THƯỞNG - PHÚ THỌ: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN VÀO LỰC LƯỢNG AN NINH MẠNG

30/05/2018

Sáng 29/5, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn vào lực lượng an ninh mạng tránh việc sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ xâm phạm lợi ích an ninh, trật tự nhà nước.

Đại biểu Cao Đình Thưởng phát biểu tại phiên họp

Đánh giá về sự cần thiết của dự án Luật An ninh mạng, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, những sự kiện trong thời gian qua liên quan đến an ninh mạng không chỉ gây ảnh hưởng đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước và lợi ích quốc gia. Thực tế diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Vì vậy cùng với quá trình hội nhập quốc tế phát triển công nghệ thông tin, đại biểu đồng tình cao với việc thông qua Luật An ninh mạng tại kỳ họp thứ 5 nhằm phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng. Đại biểu cũng cơ bản nhất trí tán thành với dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và xin có một số ý kiến như sau:

Một, về chính sách của nhà nước về an ninh mạng, Điều 3, đại biểu đồng tình cao việc bổ sung các chính sách về an ninh mạng như chính sách bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng cho đến việc ưu tiên đầu tư bố trí kinh phí, trong đó việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng là hết sức cần thiết và rất quan trọng, nhằm ngăn chặn, bảo vệ không gian mạng trước các nguy cơ tấn công có chủ đích. Đại biểu đề nghị trong việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thì cần quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng an ninh mạng và nhằm thực hiện nhiệm vụ cụ thể của lực lượng, quản lý chặt chẽ tránh việc sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ và các hoạt động xâm phạm lợi ích an ninh, trật tự của nhà nước. Hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để vi phạm như các vụ sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền đã diễn ra trong thời gian qua.

Toàn cảnh phiên làm việc buổi sáng ngày 29/5

Hai, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, việc sử dụng không gian mạng bị nghiêm cấm đối với 6 nhóm vấn đề, trong đó không được sử dụng không gian mạng để làm giả, lưu hành trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng hoặc thông tin tài khoản ngân hàng khác của người khác. Tại Điểm a khoản 1 Điều 17, đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định này vì chúng ta không chỉ đề cập các hành vi liên quan đến thông tin thẻ tín dụng hoặc thông tin tài khoản ngân hàng của người khác. Đại biểu cho rằng thông tin của cá nhân là một trong những thông tin thuộc bí mật đời tư, chỉ có chủ thể mới có quyền chia sẻ, Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng đã có những quy định khá rõ về bí mật đời tư.

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật đảm bảo an toàn."

Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định: "Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý."

Vì vậy, nếu chỉ đề cập đến thông tin thẻ tín dụng, thông tin tài khoản ngân hàng thì đại biểu cho rằng còn có những loại thông tin khác cũng cần được bổ sung và nghiêm cấm trao đổi trên không gian mạng, ví dụ như thông tin tài khoản chứng khoán v.v...

Để bao quát các nội dung liên quan đến cá nhân và hạn chế việc lộ, lọt trên không gian mạng, đại biểu đề nghị sửa đổi nội dung tại điểm e khoản 1 Điều 17 thành giả mạo, trang bị thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân, làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin của người khác, phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép và bỏ cụm từ "thông tin thẻ tín dụng hoặc thông tin tài khoản ngân hàng".

Ba, về xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống, điểm a khoản 3 Điều 15 quy định: "Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục là thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác". Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, việc sử dụng cụm từ "nghiêm trọng" nên được cân nhắc xem xét, bởi lẽ danh dự, nhân phẩm của con người đã và luôn được pháp luật bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác mà không nhất thiết phải xác định tính chất nghiêm trọng của hành vi đó. Quy định tính chất nghiêm trọng của hành vi trong điều luật sẽ buộc phải làm rõ trường hợp nào là nghiêm trọng và trường hợp nào là không nghiêm trọng. Do đó, đề nghị không nên sử dụng cụm từ "nghiêm trọng" trong trường hợp này mà luật chỉ cần xác định có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, là cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp xử lý thông tin trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Bốn, về quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài, khoản 2 Điều 26, theo dự thảo luật, tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, đại biểu cho rằng quy định như trên sẽ hữu ích nếu thực hiện được nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng, phục vụ điều tra, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, chống xuyên tạc, phản động. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng an ninh, việc đặt trụ sở tại văn phòng đại diện sẽ gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam bảo đảm tính khả thi khi phối hợp, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng. Tuy nhiên, khi đã đưa ra quy định này mà phía các doanh nghiệp nước ngoài Google hoặc Facebook họ không thực hiện thì giải pháp của chúng ta ở đây là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam hay không? Vì vậy, cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam và mối quan hệ hiện nay cũng như những cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế.

Cuối cùng, để đảm bảo an ninh mạng trên lãnh thổ Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm hết sức nặng nề và được đề cập khá nhiều nội dung cụ thể tại các điều khoản. Vì vậy, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ để không chồng chéo, dễ dàng thực thi trong thực tế.

 

Mai Trang

Các bài viết khác