ĐBQH DƯƠNG MINH ÁNH – TP. HÀ NỘI: CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC THI PHÁP LUẬT TRÊN BIỂN ĐÃ ĐƯỢC THỂ CHẾ HÓA VỀ MẶT NHÀ NƯỚC

11/06/2018

Sáng ngày 08/6, tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, ĐBQH Dương Minh Ánh - Tp.Hà Nội cho rằng, thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về mở cửa và hội nhập quốc tế, công tác quản lý và tổ chức thực thi pháp luật trên biển đã được thể chế hóa về mặt nhà nước theo hướng dân sự hóa và thông lệ quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - Tp.Hà Nội phát biểu tại Hội trường

Nhất trí cao với nội dung tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, để góp phần làm rõ những quan điểm chính sách lớn của dự luật, đại biểu Dương Minh Ánh góp ý về một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của dự án luật này là đảm bảo cơ sở pháp lý để xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên biển.

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về mở cửa và hội nhập quốc tế, công tác quản lý và tổ chức thực thi pháp luật trên biển đã được thể chế hóa về mặt nhà nước theo hướng dân sự hóa và thông lệ quốc tế. Năm 1998 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 10 đã ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Qua 20 năm xây dựng và phát triển lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong những năm đầu mới thành lập, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, ngày càng trưởng thành về mọi mặt thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong việc thực thi pháp luật trên biển, là chỗ dựa tinh thần và tin cậy của bà con ngư dân cả nước.

Cơ bản tán thành với những quy định của dự thảo luật về xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã được quy định tại các Điều 4, 5, 6 ở Chương I, toàn bộ Chương V, Chương VI của dự thảo luật, đại biểu có một số kiến nghị cụ thể như sau:

Một, về phạm vi điều chỉnh ở Điều 1, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của công tác duy trì an ninh, trật tự và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển. Nghiên cứu quy định tại Điều 1 dự thảo luật, đại biểu cho rằng còn thiếu một nội dung về xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam, vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "xây dựng" vào trước cụm từ "bảo đảm hoạt động" tại đoạn cuối của Điều 1 nhằm nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời là căn cứ cho việc cụ thể hóa trong các chương, điều, khoản của dự luật. Đại biểu đề xuất phương án cụ thể như sau:

Điều 1, phạm vi điều chỉnh, luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động và phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, quản lý nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan, xây dựng và bảo đảm hoạt động chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam.

Hai, chính sách của nhà nước về xây dựng Cảnh sát biển Việt nam tại Điều 5, đại biểu cho rằng, quy định liệt kê tất cả nội dung từ định hướng, mục tiêu chung về xây dựng Cảnh sát biển Việt nam đến những yêu cầu cụ thể về nguồn lực pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ, tuyển chọn con người, đào tạo bồi dưỡng, đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, v.v... vào một khoản như tại khoản 1 Điều 5 dự thảo luật là không phù hợp, không cần thiết vì nội hàm của cụm từ "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại" đã chứa đựng đầy đủ mục tiêu và nội hàm của xây dựng Cảnh sát biển Việt nam gồm xây dựng bản lĩnh chính trị, kỷ luật thống nhất, tinh thông và thành thục về nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, được trang bị phương tiện hiện đại và những nội dung này sẽ được quy định ở các chương sau về xây dựng và bảo đảm hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, đề nghị khoản 1 Điều 5 viết lại theo hướng nhà nước ưu tiên xây dựng cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong quản lý an ninh trật tự, bảo đảm chấp hành pháp luật trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khoản 2 giữ nguyên như trong dự thảo.

Điều 38, cơ sở vật chất đảm bảo cho Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu đề nghị viết tách thành một số khoản để có sự phân biệt giữa các chính sách của nhà nước đảm bảo cho cảnh sát biển Việt Nam. Đồng thời, chỉnh lý về câu chữ cho đúng với bản chất của từng vấn đề, xin đề xuất phương án cụ thể như sau:

Điều 38. Cơ sở vật chất đảm bảo cho cảnh sát biển Việt Nam

1. Nhà nước bảo đảm đất đai, xây dựng trụ sở, công trình chuyên dụng và cơ sở hạ tần kĩ thuật cần thiết phù hợp với đặc điểm, tính chất, phạm vi hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

2. Có chính sách ưu tiên, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của Cảnh sát biển Việt Nam.

3. Tăng cường đầu tư sản xuất và mua sắm phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang bị kĩ thuật, nghiệp vụ tiên tiến để nâng trình độ trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế.

Điều 39, trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và thiết bị kĩ thuật hỗ trợ của Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu đề nghị tách nội dung khoản 1 điều này thành 1 khoản và 1 điều mới Điều 39a vì trang bị phương tiện như tàu thuyền, xuồng máy bay, v.v... của Cảnh sát biển Việt Nam chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào nên cần được quy định cụ thể tại luật này hoặc quy định chung. Còn giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể những vũ khí, công cụ hỗ trợ đã có Luật Quản lý, sử dụng vật liệu nổ và vũ khí, công cụ hỗ trợ quy định, do đó luật này chỉ là viện dẫn.

Cảnh sát biển Việt Nam quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải tuân theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được Quốc hội thông qua năm 2017. Đại biểu đề xuất phương án cụ thể như sau:

Điều 39 quản lý, sử dụng trang bị, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cảnh sát biển, khoản 1 "Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị tàu thuyền, xuồng, máy bay và các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao". Hai: "Trang bị và phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, bảo đảm an toàn, tiết kiệm". Ba là: "Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết điều này".

Điều 39a quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị vũ khí, vật liệu, nổ công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ quy định của Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017.

Vân Ngọc

Các bài viết khác