ĐBQH PHẠM ĐÌNH CÚC TỈNH BÀ RỊA–VŨNG TÀU: ĐỀ NGHỊ CÂN NHẮC QUY ĐỊNH BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG TRỰC TIẾP QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNH SÁT BIỂN VN

11/06/2018

Sáng 08/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, ĐBQH Phạm Đình Cúc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ban Soạn thảo cần cân nhắc kỹ quy định Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc - Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại Hội trường

Trước hết, đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, và đồng tình sự cần thiết và cấp bách xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam vì biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trong đó diện tích biển Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Hiện nay biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven biển Đông mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc, hải dương trên thế giới.

Tình hình biển diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển vẫn diễn biến phức tạp do chiến lược tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực, như vụ giàn khoan HD 981 năm 2014, HD 760 năm 2017, các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển. Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng nặng nề hơn, để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho cảnh sát biển hoạt động phù hợp với thực tiễn lập pháp trên thế giới, đặc biệt Hiến pháp năm 2013 được ban hành. Do vậy, việc xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cần thiết và cấp bách. Đối với các điều luật cụ thể, đại biểu góp ý một số vấn đề cụ thể như sau:

Một, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, tại khoản 1 Điều 4 quy định: Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường sáng 8/6

Theo đại biểu, đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ, bởi vì quy định như vậy sẽ dẫn đến ngộ nhận cảnh sát biển là một lực lượng nằm ngoài Bộ Quốc phòng và về nguyên tắc tổ chức của cảnh sát biển được hiểu tương đương với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mà thực chất cảnh sát biển chỉ là một lực lượng nhỏ trong lực lượng vũ trang và cần phải xác định rõ cảnh sát biển tương đương với cấp nào trong Bộ Quốc phòng. Đồng thời, việc quy định như dự thảo luật cũng như chưa làm rõ được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hai, về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, khoản 1 Điều 8 quy định: Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là lực lượng chuyên trách của nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc quy định rõ Cảnh sát biển Việt Nam là bộ phận thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời bỏ đoạn "lực lượng chuyên trách của nhà nước", bởi vì quy định như vậy dễ dẫn đến sự chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng chuyên trách khác hoạt động trên biển như bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông, kiểm ngư v.v... Vì vậy, chỉ cần quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển để phân biệt với các lực lượng khác.

Ba, về nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam. Khoản 1 Điều 9 quy định: bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, tài sản nhà nước, tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng cần cân nhắc vì nhiệm vụ trên biển có rất nhiều lực lượng tham gia như hải quân, công an, biên phòng, v.v... Do đó, đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiệm vụ chủ trì, nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác. Do vậy, cần xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Bốn, về phạm vi hoạt động. mặc dù, tại Báo cáo số 178 ngày 12/5/2018 của Chính phủ đã giải trình, song đại biểu vẫn đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kĩ để phân tích rõ phạm vi, địa bàn hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam chứ không thể quy định Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam chung chung mà nên quy định phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam từ đường biên giới quốc gia trên biển trở ra. Còn trong các vùng cảng biển, nội thủy, lãnh hải đã có các lực lượng như biên phòng, cảnh sát giao thông và các lực lượng khác nên dễ gây ra chồng chéo về thẩm quyền của các lực lượng này.

Vân Ngọc

Các bài viết khác