ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH – TRÀ VINH: ĐỀ NGHỊ QUY ĐỊNH RÕ VỊ TRÍ, VAI TRÒ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG TRƯỜNG

14/06/2018

Chiều 11/6, tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình - Trà Vinh đề nghị bổ sung quy định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường cũng như mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Ban giám hiệu, giữa Hiệu trưởng với Chủ tịch Hội đồng trường nhằm phát huy vai trò của hội đồng trường.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình - Trà Vinh phát biểu tại Hội trường

Sau 12 năm thực hiện giữa các lần sửa đổi, điều chỉnh Luật Giáo dục với vai trò là luật khung, nhiều quy đinh trong luật được triển khai rộng rãi trong phạm vi cả nước đặt ra nhiều nguyên tắc cơ bản làm cơ sở xây dựng các luật chuyên ngành như Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục, hệ thống pháp luật về giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên thời gian qua việc triển khai Luật Giáo dục đang nảy sinh nhiều vướng mắc như phân tích của đại biểu trước tôi nêu. Tôi thống nhất việc cần sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục như tờ trình Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. Nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo luật và mang ý kiến kiến nghị của cử tri ngành giáo dục tỉnh nhà đến Quốc hội, đến Ban soạn thảo, đại biểu tham gia một số nội dung như sau:

Một, Điều 4 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục quy định hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Trong thực tế, Luật Giáo dục, Nghị định 75 đã thể hiện rõ khái niệm về giáo dục chính quy, các hình thức giáo dục thường xuyên gồm: vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn về 4 hình thức học này chưa rõ ràng, có không ít sự nhập nhằng giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, việc thực hiện còn khó khăn, trong thực tế xuất hiện những khái niệm mới như chính quy, không tập trung, trực tuyến, tự học tại nhà. Do đó, đề nghị dự thảo luật bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.

Hai, Điều 48 dự thảo luật quy định nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức theo 2 loại hình: công lập và ngoài công lập. Trong đó xác định trường công lập do nhà nước thành lập, bảo đảm điều kiện hoạt động, nghĩa là trường công lập do nhà nước chăm lo. Tuy nhiên, trong thực tế số lượng trường công lập quá lớn chỉ trong một vài năm, đây là sức ép đối với ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm một khoản vào điều này quy định nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc mọi loại hình đều được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của nhà nước nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục và có kế hoạch giảm thiểu số lượng các trường công lập, chỉ công lập đối với các ngành nghề thực sự cần thiết nhà nước không thể trực tiếp làm.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình các ý kiến Đại biểu Quốc hội

Ba, về hội đồng trường ở Điều 53, qua giám sát, khảo sát tại địa phương cho thấy vị trí, chức năng, vai trò của hội đồng trường, của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông hiện nay hiệu quả còn hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định thật rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường cũng như mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Ban giám hiệu, giữa Hiệu trưởng với Chủ tịch Hội đồng trường nhằm phát huy vai trò của hội đồng trường.

Bốn, về nhà giáo, ở Điều 70 dự thảo luật quy định nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản như sau:

Khoản 1 bổ sung cụm từ "quản lý giáo dục", cụ thể: nhà giáo là người làm nhiệm vụ quản lý, giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Khoản 3 bổ sung cụm từ "làm quản lý trong các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học gọi là cán bộ quản lý giáo dục", ở khoản này, nên viết lại thành "nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, nghề nghiệp, trình độ sơ cấp, trung cấp và cơ sở giáo dục khác gọi là giáo viên, nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng gọi là giảng viên, nhà giáo làm quản lý trong các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học gọi là cán bộ quản lý giáo dục". Quy định như trên sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và thu hút giáo viên giỏi làm công tác quản lý giáo dục.

Năm, Điều 100 Luật Giáo dục quy định "Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, Luật Giáo dục không quy định về cơ quan chủ quản, theo đại biểu là chưa được phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét cân nhắc thêm về điều này.

Sáu, tại Điều 101 về đầu tư cho giáo dục, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định nhà nước có chính sách quản lý đối với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp.

Bảy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung chế độ chính sách đào tạo đối với các trường hợp đặc biệt, nhân tài, giáo dục đối với người nước ngoài. Sau khi dự thảo luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có 19 văn bản quy phạm pháp luật phải ban hành để thực hiện, trong đó thuộc thẩm quyền Chính phủ 8, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo 11. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sớm hoàn thiện các dự thảo văn bản này để đính kèm hồ sơ khi trình Quốc hội thông qua luật này tại kỳ họp thứ 6, đồng thời xây dựng văn bản hợp nhất Luật Giáo dục năm 2005, 2009 và 2018 để thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Vân Ngọc

Các bài viết khác