ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: XỬ LÝ TÀI SẢN KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC NÊN THU THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

30/10/2018

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng được đông đảo đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, cho ý kiến. Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã chỉnh lý có bố cục gồm 11 Chương, 98 Điều quy định về về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Hiện nay, một trong những nội dung còn nhiều quan điểm khác nhau trong quy định tại dự thảo là vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc. Theo ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nên xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc bằng thu thuế thu nhập cá nhân. Phương án này có ưu điểm rất lớn là sẽ xử lý nhanh, kịp thời tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trường Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức trong thời gian vừa qua?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trường Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong thời gian qua, việc kê khai tài sản cho các đối tượng thuộc diện quản lý đã được triển khai tích cực và tổ chức thực hiện rất là tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại vấn đề như: Thứ nhất, kê khai của một số đối tượng chưa được kiểm soát chặt chẽ, có người kê khai trung thực có người kê khai chưa dược trung thực gây khó khăn cho công tác kiểm soát cũng như xác minh tài sản. Thứ hai, quá tải đối với cơ quan được giao nhiệm vụ. Việc tiến hành kiểm soát, kiểm tra tài sản rất là nhiều mà chỉ giao cho 1 cơ quan quản lý thì tôi cho rằng là bất hợp lý và không thể đạt được hiệu quả cao. Thứ ba, thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng cũng chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản này đã gây nghi ngờ trong dư luận. đây là vấn đề lỗ hỏng của pháp luật của chúng ta thời gian qua.

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay có nhiều phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Về quan điểm cá nhân, đại biểu ủng hộ phương án nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trường Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi ủng hộ phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Phương án này có ưu điểm rất lớn là sẽ xử lý nhanh, kịp thời tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế. Đồng thời, phương án này cũng hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trên thế giới nhiều nước cũng có khuyến nghị về cách xử lý này trong phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì họ vẫn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra Tòa hành chính để giải quyết. Tuy nhiên, nếu quyết định theo phương án thu thuế thì Quốc hội cũng cần sửa đổi lại Luật thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất, bảo đảm tính đồng bộ để ngay khi Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực thì quy định về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thực hiện được ngay.

Phóng viên: Với phương án xử lý bằng thu thuế thu nhập cá nhân liệu có liên quan gì đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân không thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trường Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Quyền tài sản của cá nhân là quyền bất khả xâm phạm và phải được luật pháp bảo vệ. Điều này cũng đã được quy định cụ thể, rõ ràng. Ở đây, điều đáng nói là cán bộ công chức, viên chức có trách nhiệm phải kê khai trung thực, chính xác tài sản. Vì vậy, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm nhưng không giải trình được, không lý giải được nguồn gốc thì phải xem xét xử lý. Vấn đề này là hoàn toàn phù hợp và không vi phạm quyền tài sản công dân. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục xem xét đối với tài sản này phải bảo đảm chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công chức và những người có liên quan.

Phóng viên: Xin trân tọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh