CHỒNG CHÉO CHÍNH SÁCH DẪN ĐẾN VIỆC GIẢM NGHÈO CHƯA THỰC SỰ HIỆU QUẢ

29/10/2018

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, tại buổi Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, đa số các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được và khẳng định sự cần thiết của các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa các nhóm dân cư.

Bên lề kỳ họp, Phóng viên Cổng thông tin điện tử ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Công tác giảm nghèo vùng 30A còn hạn chế trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để giảm nghèo đạt được kết quả cao, trong thời gian tới cần có cơ chế chính sách xã hội hóa. Do ảnh hưởng của thiên tai, điều kiện sản xuất và đầu tư của nhà nước đối với hạ tầng cơ sở còn hạn chế. Để giải quyết bài toán này, toàn xã hội không chỉ Nhà nước mà khối doanh nghiệp cũng cần quan tâm, giải quyết vấn đề nghèo đói và công tác xã hội hóa trong xóa đói giảm nghèo.

Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Đến nay, chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ thực tế tại địa phương, với đặc thù tại các tỉnh miền núi, điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn, nên dù được quan tâm nhưng xây dựng nông thôn mới vẫn chưa đạt được như mong muốn. Do vậy, tôi mong muốn Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành quan tâm giành nguồn lực đầu tư cho Cao Bằng nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung. Đặc biệt đầu tư về hạ tầng giao thông, kết nối các vùng miền phục vụ nhu cầu đi lại, tạo điều kiện cho nhân dân giao thương hàng hóa. Các chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cần có những nguồn lực lồng ghép kết hợp để đạt được hiệu quả cao hơn.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016-2018 có khoảng 116 chính sách tác động đến đồng bao dân tộc thiểu số miền núi, khối lượng chính sách lớn dẫn đến việc quản lý điều hành gặp không ít khó khăn. Trên thực tế đã có sự chồng chéo khi thực hiện chính sách, nguồn lực phân tán dàn trải, quản lý sử dụng kém hiệu quả.

Ngoài ra tích hợp chính sách phải đi liền với tích hợp các ban chỉ đạo, đây là khó khăn của địa phương khi triển khai thực hiện các chính sách vì sự chồng chéo trong giải quyết, chỉ đạo khi nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm với chính sách giảm nghèo, thoát nghèo. Chính sự chồng chéo này dẫn đến việc nhiều đề án giảm nghèo vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia còn tồn tại những hạn chế nhất định, khoảng cách chênh lệch giữa kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới giữa các vùng miền còn khá lớn. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỉ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo. Do các nguyên nhân như tách hộ, hậu quả thiên tai lũ lụt nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhất là khu vực vùng núi phía bắc và Tây Nguyên.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Mục tiêu xây dựng nguồn vốn đã được nhà nước xây dựng từ đầu, nhưng khi xét duyệt các đề án dự án vẫn còn chậm, cấp vốn chậm, giải ngân chậm, dẫn đến hiệu quả nguồn vốn đem lại không cao. Muốn thoát nghèo bền vững cần giải quyết các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, giúp cho người dân có đủ điều kiện năng lực, chính quyền đủ khả năng thực hiện các giải pháp đồng bộ tại địa phương giúp thoát nghèo bền vững.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và xây dựng nguồn lực cho hai chương trình mục tiêu quốc gia, mở rộng triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong cơ sở tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch điều hành quản lý các hoạt động trong chương trình. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo các cấp, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả và phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng.

Mai Trang