ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN CÒN CHƯA HẤP DẪN

09/05/2019

Ngành BHXH phấn đấu đến năm 2021 sẽ có 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện, tương ứng với 600.000 người; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia; đến năm 2030 đạt khoảng 5%, tương ứng đạt trên 3.000.000 người. Tuy nhiên, đến hết tháng 02/2019 mới có khoảng gần 300.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là con số quá thấp so với số lượng hàng chục triệu lao động trong khu vực phi chính thức.

Bảo hiểm xã hội - những bất cập trong thực tế

Không có việc làm ổn định, chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội mở cửa hàng tạp hóa kinh doanh tại nhà. Ngoài số tiền trang trải cuộc sống, mỗi tháng chị dành 600.000 đồng để mua bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già. Theo chị Thuý, khi về già, hàng tháng có lương hưu là điểm tựa an sinh vững chắc nhất bởi với số tiền có được chị sẽ chủ động chi tiêu trong cuộc sống, đỡ tạo thêm gánh nặng cho con cháu.

Chị Nguyễn Thị Thúy: Hàng tháng có lương hưu là điểm tựa an sinh vững chắc nhất...

Từ năm 2008, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện, trong 11 năm qua số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tuy có tăng theo từng năm nhưng tỷ lệ người tham gia vẫn còn thấp. Đến hết năm 2017, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 227.506 người, chiếm khoảng 0,45% lực lượng lao động, đến tháng 02/2019 mới có gần 300.000 người tham gia.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, cả nước có hơn 39 triệu lao động trong khu vực không chính thức chiếm hơn 58% tổng số lao động của Việt Nam, họ là lao động làm thuê, lao động tại gia, lao động di cư, kinh doanh, buôn bán nhỏ mà không có hình thức hợp đồng lao động nào ràng buộc. Dù khu vực lao động này có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội, song các chính sách an sinh xã hội lại chưa phát huy tối đa hiệu quả. Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy vẫn còn tới trên 70% số người được hỏi là chưa biết tới chính sách BHXH tự nguyện; khả năng tiếp cận của người dân với chính sách thông qua cơ quan BHXH và các tổ chức đại lý thu BHXH ở xã, phường, thôn, bản, khu dân cư vẫn còn hạn chế

Anh Nguyễn Văn Giảng: BHXH tự nguyện không đảm bảo quyền lợi như bảo hiểm xã hội bắt buộc

Anh Nguyễn Văn Giảng, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội là một trong số hàng triệu lao động trong khu vực phi chính thức có công việc ổn định, thu nhập cũng khá nhưng vẫn thờ ơ với bảo hiểm xã hội tự nguyện vì cho rằng BHXH tự nguyện không đảm bảo quyền lợi như bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong khi BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất thì bảo hiểm bắt buộc có cả chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản do vậy anh cũng như một số anh em khác không tham gia

Ngoài chính sách BHXH tự nguyện còn hạn chế thì công tác tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ về chính sách này cũng chưa được sâu rộng, thậm chí, một bộ phận dân cư còn chưa biết có chính sách BHXH tự nguyện. Người lao động cũng chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động ở nông thôn, khu vực phi chính thức còn thấp, không ổn định. Ngoài ra, các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu cũng khá khắt khe, thiếu sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ BHXH.

Bà Đào Thị Ngũ: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đứng trước không ít thách thức

Bà Đào Thị Ngũ, chuyên viên phòng Thương binh xã hội, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội cho biết: Kể từ ngày 1/1/2018, theo Nghị định 134 của Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện với những đối tượng nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác với tỷ lệ lần lượt là 30%, 25% và 10%. Dù vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đứng trước không ít thách thức do đối tượng tham gia chủ yếu là lao động tự do, lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định. Việc vận động người dân tham gia không dễ do người dân không thấy được những lợi ích trước mắt. Đề người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chính sách đi kèm cũng nên tương đương với bảo hiểm xã hội bặt buộc.

Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã kế thừa các quy định của Luật BHXH năm 2006, sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền hưởng an sinh xã hội của người lao động… Cụ thể, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đến mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không khống chế trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, số người tham gia mới chỉ đạt 300.000 người trong 11 năm qua. Nếu cứ tiếp tục đà tăng trưởng chậm như thời gian qua sẽ tạo gánh nặng lớn cho ngân sách khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai. Một tương lai không chỗ dựa với hàng triệu người dân khi không có điểm tựa an sinh về già.

Ngành BHXH: Giải pháp nào đẩy mạnh người dân tham gia BHXH tự nguyện?

Trước những bất cập này, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, đã đưa ra ý kiến chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp. Theo đại biểu Thạch Phước Bình hiện tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 243.000 người, trong đó 30% là đối tượng tham gia mới, 70% còn lại là những người đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Điều này cho thấy chính sách khuyến khích thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng, Nhà nước.

Ngày 20/11/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có công văn số 1657 trả lời chất vấn đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.

Công văn nêu rõ: Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ở nước ta từ ngày 01/01/2008, áp dụng đối với người không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ra đời được sự đón nhận tích cực của người dân, đặc biệt là những người đã gần hết tuổi lao động nhưng chưa tích lũy được đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Đến hết năm 2017 số người tham gia là 227. 506 người; số thu bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn 2015-2017 đạt bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, cơ quan bảo hiểm xã hội đang chi trả cho khoảng 24.000 người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng với số tiền chi trả là 770 tỷ đồng, đúng như đại biểu phản ánh, những trường hợp này đều đã từng có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc trển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn hạn chế, đặc biệt là số đối tượng tham gia còn thấp (hiện mới chiếm khoảng 0,45% so với lực lượng lao động). Tỷ kệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp là do một số nguyên nhân sau:

- Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện mặc dù đã được thiết kế ưu việt về quyền lợi nhưng tính hấp dẫn còn chưa cao trong bối cảnh đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là người lao động thuộc khu vực phi chính thức, tính chất công việc không ổn định, mặt bằng bình quân thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn; thời gian đóng tối thiếu để hưởng lương hưu dài (20 năm); mực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp.

- Tổ chức thực hiện chính sách chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động đối tượng do chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn đối với các đại lý thu bảo hiểm xã hội so với sản phẩm bảo hiểm thương mại; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội mặc dù đã có những bước tiến nhưng vẫn chưa thực sự tạo sự thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận thông tin về bảo hiểm xã hội, đăng ký tham gia; các phương pháp giao dich, đăng ký và thu nộp chưa đa dạng và tiện lợi.

- Đánh giá được những hạn chế này, vừa qua Ban cán sự đảng Chính phủ đã trình hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung Khóa XII thông qua Nghị quyết số 28-NQTW ngày 23 tháng 05 năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%. Để đạt được mục tiêu Trung ương đã đề ra, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mực hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; thực hiện thí điểm gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để đáp ưng tốt hơn như cầu của người dân.

Công văn của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đưa ra giải pháp gắn quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước (ví dụ ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh); giao chỉ tiêu phát triển tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương; Đẩy mạnh việc thực hiện thu và chi bảo hiểm xã hội tự nguyện qua ngân hàng; đa dạng mạng lưới cung cấp dịch vụ; Chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện; Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cần sớm có lộ trình thực hiện các giải pháp

Bảo hiểm xã hội được xem là công cụ hữu hiệu để đối phó với tình trạng dân số già hóa. Làm thế nào để đối tượng lao động trong khu vực phi chính thức có thể hiểu và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là khoảng trống cần lấp đầy. Vậy những giải pháp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đưa ra từ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đến nay liệu đã đem lại kết quả như kỳ vọng. Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Thạch Phước Bình về nội dung này:

Đại biểu Thạch Phước Bình: Giảm mức đóng và rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện sẽ thu hút người dân tham gia nhiều hơn

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, là một trong nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Xin đại biểu cho biết những nội dung chất vấn của đại biểu tập trung ở khía cạnh nào?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 qua nghiên cứu tài liệu, báo cáo về tình hình sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017 tôi có nghiên cứu và thấy rằng Luật bảo hiểm xã hội đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2008, tuy nhiên qua gần 10 năm thực hiện số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ đạt 243.000 lao động tham gia, đạt khoảng 0,45% lực lượng trong cả nước. Đây là tỷ lệ thấp. Do đó tôi đặt vấn đề tập trung chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ở khía cạnh nguyên nhân, giải pháp của tình trạng này, nhất là giải pháp trong thời gian tới để tăng sức hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu có ý kiến như thế nào về nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xung quanh những vấn đề mà Đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Qua nghiên cứu văn bản trả lời của Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cơ bản tôi đồng tình với phần trả lời của Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị Chính phủ sớm có lộ trình để triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp mà Phó Thủ tướng đã nêu trong văn bản trả lời của mình để làm sao đạt được mục tiêu đến năm 2020 đạt 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như mục tiêu đã đề ra.

Phóng viên: Hiên nay việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là số đối tượng tham gia còn thấp, chiếm khoảng 0,45% so với lực lượng lao động. Theo đại biểu đâu là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Theo tôi có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của nước ta vẫn chưa được tốt. Thứ hai, chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn hạn chế, chỉ thực hiện được hai chế độ là hưu trí và tử tuấn, trong khi đó bảo hiểm xã hội bắt buộc có 5 chế độ gồm ốm đạu, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Quy định này đã vô tình trở thành rào cản khiến cho khối lao động phi chính thức ít tham gia. Nguyên nhân thứ 3 là mức đóng còn cao và thời gian đóng còn dài, do đó là rào cản lớn ảnh hưởng đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian qua.

Phóng viên:  Theo Đại biểu, cần có những chính sách gì trong thời gian tới để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đến năm 2021 nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% như Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh:

Tôi đề nghị xem xét mở rộng việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 2 chế độ hiện nay mở rộng ra 3 hoặc 4 thậm chí 5 chế độ giống bảo hiểm xã hội bắt buộc. Xem xét giảm mức đóng và rút ngắn thời gian đóng. Theo giải pháp của Phó Thủ Tướng, trước tiên thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện rút xuống 15 năm, sau đó theo lộ trình rút xuống 10 năm, tôi cơ bản đồng tình với giải pháp này. Giải pháp, tôi cho khá quan trọng nữa là nâng mức hỗ trợ của nhà nước đối với người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hiện nay nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng đối với hộ nghèo; 25% mức đóng đối với hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác, mức hỗ trợ này còn thấp so với mức thu nhập của khối người dân trong khu vực phi chính thức.

Ngoài ra, ngành bảo hiểm xã hội phối hợp hơn nữa với ngành có liên quan để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước về các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện để người dân hiểu, thay đổi nhận thức tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin từ lúc đăng ký tham gia đến khi giải quyết chế độ chính sách./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Phương - Ánh Nguyệt