ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH: VIỆT NAM CẦN SỚM SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM PHÙ HỢP VỚI CÁC NƯỚC XUẤT KHẨU

09/05/2019

Tại Việt Nam, các quy định về sử dụng phụ gia trong thực phẩm được quy định tại thông tư số 27 năm 2012 và thông tư 08 năm 2015 của Bộ Y tế về phụ gia thực phẩm sử dụng chất bảo quản. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định đã nhiều năm, không còn phù hợp trước nhu cầu hội nhập sâu rộng ngày càng mạnh mẽ. Theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Việt Nam cần sớm có những nghiên cứu sửa đổi các quy định về ATTP để phù hợp với các nước xuất khẩu, hợp tác quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và trên thế giới.

Bài học nào cho việc thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin su tại Nhật Bản

Vừa qua, vụ việc hơn 18.000 sản phẩm tương ớt Chin-su xuất khẩu từ Việt Nam bị thu hồi tại thị trường Nhật Bản do có chứa phụ gia không có trong danh mục ATTP của Nhật Bản, đã và đang gây xôn xao dư luận trong nước. Theo thông tin từ một số cơ quan báo chí thì đây là chất cấm đối với mặt hàng này tại Nhật Bản, còn ở Việt Nam thì được Bộ Y tế cấp phép.      

 Sản phẩm tương ớt Chin- su

Liên quan đến lô hàng hơn 18.000 chai tương ớt hiệu Chin-su của Masan bị thu hồi, ngày 02/4, công ty này đã có thông cáo báo chí khẳng định: Hiện chưa có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised”, hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ. 

Theo phía Nhật Bản, sản phẩm tương ớt của Việt Nam có chứa chất phụ gia thực phẩm (Axit Benzoic và Axit Sorbic), là hai chất không được cấp phép sử dụng trong các sản phẩm tương ớt tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản. Theo kết quả phân tích, lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su giao động từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg. Quy định của Việt Nam là hàm lượng của Axit benzoic cho phép trong tương ớt là 1 gam/kg, đây cũng là hàm lượng cho phép đối với axit benzoic trong bơ thực vật ở Nhật Bản, với trứng cá là 2,5 gam/ kg. 

Khẳng định trước dư luận, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết: Mỗi quốc gia khác nhau và đặc thù tiêu thụ sản phẩm khác nhau sẽ có các quy định khác nhau... Điều này cũng đồng nghĩa với việc buộc các nhà sản xuất phải đáp ứng theo quy định của thị trường nước sở tại. Việc doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm không đảm bảo quy định của Nhật Bản cho thấy công tác kiểm tra giám sát các thành phần sản phẩm của doanh nghiệp và cơ quan chức năng tại Việt Nam bị buông lỏng.

Axit Benzoic là chất bảo quản thường được thấy trong các loại thực phẩm như rau củ muối chua, mứt, các loại thạch rau câu, bún và đặc biệt là tương ớt, tương cà chua. Chất này được cho là an toàn khi sử dụng với hàm lượng nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới WHO cho rằng, lượng axit Benzoic tối đa mà cơ thể có thể xử lý được là 5mg/kg thể trọng mỗi ngày. Nếu vượt quá sẽ gây độc. Theo cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, axit benzoic khi kết hợp với các loại vitamin C có trong các loại trái cây sẽ tạo phản ứng sinh ra benzene, chất gây ung thư và các bệnh mãn tính khác. Lo ngại hiện nay của người dân là chất bảo quản axit benzoic kết hợp với vitamin C trong cà chua, trong trái cây nghiền trong tương ớt tạo ra benzen gây ung thư.

     Lượng axit Benzoic tối đa mà cơ thể có thể xử lý được là 5mg/kg thể trọng mỗi ngày

 Ông Trần Văn Hùng, cử tri phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội bày tỏ lo ngại về sản phẩm Chinsu đang được tiêu thụ tại Việt Nam và mong muốn các ban ngành chức năng sớm vào cuộc. “Tại sao hàng đã được tiêu thụ tại Việt Nam cũng chất lượng như vậy mà ra nước ngoài lại không chấp nhận được, quyền bảo vệ con người nó ở chỗ nào? Tôi cũng muốn tất cả sản phẩm khi đưa ra đều được tất cả các ban ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ làm sao để đảm bảo như ở Việt Nam cũng như ở trên thế giới. ” – ông Trần Văn Hùng cho biết. 

     Ông Trần Văn Hùng, cử tri phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Ngày 12/4, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản gửi công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan. Trong đó, nêu rõ sản phẩm tương ướt Chin- su sử dụng các chất bảo quản Axit Benzoic hoặc muối Natri Benzoat và hàm lượng không quá 1000 mg/kg sản phẩm là phù hợp với quy định của Việt Nam và Uỷ bản tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế Codex và an toàn cho người sử dụng. Việc Nhật Bản không quy định Acid Benzoic, Acid Sorbic làm phụ gia thực phẩm trong tương ớt, mà Việt Nam lại cho dùng không có nghĩa là tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam không được quan tâm. Vì thực tế là Việt Nam đang sử dụng tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex, đây cũng là tiêu chuẩn mà Mỹ cũng như các nước Châu Âu đang sử dụng. Việc sử dụng các chất phụ gia theo quy định của pháp luật Việt Nam không yêu cầu ghi cảnh báo, chỉ yêu cầu ghi tên nhóm chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS nếu có. 

Công văn của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế gửi công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan

Ở đây, chúng ta chưa bàn đến việc có hay không những phản ứng độc hại có trong thành phần tương ớt Chin-su, mà điều đáng phê phán là việc thiếu tôn trọng các quy định của nước sở tại của ngay chính doanh nghiệp Masan đối với sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Bởi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã khẳng định: “Mỗi quốc gia khác nhau và đặc thù tiêu thụ sản phẩm khác nhau sẽ có các quy định khác nhau…” thì việc chấp hành theo quy định về ATTP của Nhật Bản là điều bắt buộc. Trong khi Quốc hội, Chính phủ đang khẩn trương điều chỉnh, sửa đổi các Luật có liên quan cho phù hợp để tiến hành ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với các nước, đặc biệt là châu Âu, thì hành động của Masan cần phải được xem xét rút kinh nghiệm sâu sắc, không để ảnh hưởng không tốt đối với khối cộng đồng doanh nghiệp nói chung của Việt Nam.

Việt Nam cần sớm sửa đổi các quy định về ATTP phù hợp với các nước xuất khẩu

Vụ việc hơn 18.000 sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi tại thị trường Nhật Bản do có chứa phụ gia đã vi phạm quy định trong sản phẩm tiêu dùng của Nhật Bản, cho thấy sự thiếu thận trọng ngay từ phía doanh nghiệp trong việc hướng tới các thị trường khó tính như Nhật Bản. Bởi việc đảm bảo thực thi theo các tiêu chuẩn, quy định của nước sở tại là bắt buộc thì ngay từ khâu kiểm tra, xuất khẩu sản phẩm phải được xử lý thật triệt để. Vì vậy, Việt Nam cần sớm có những nghiên cứu sửa đổi các quy định về An toàn thực phẩm để phù hợp với các nước xuất khẩu, hợp tác quốc tế, tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, về vấn đề này.

                Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Liên quan đến lô hàng hơn 18.000 chai tương ớt hiệu Chin-su của Masan bị thu hồi tại Nhật Bản thời gian qua, quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?  

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, đứng ở góc độ người tiêu dùng thì người ta có quyền lo ngại. Còn góc độ doanh nghiệp, tôi tin là rất hoang mang, bởi họ đã và đang phải làm theo đúng những quy định của nhà nước và những quy định của các nước thì mình mới có thể xuất được hàng ra nước ngoài, nhưng riêng đối với Nhật Bản lại có phản ứng ngay và thu hồi hơn 18.000 sản phẩm là vấn đề đáng suy nghĩ. Đây là một việc làm cần thiết, mà các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc.

Phóng viên: Theo Bộ Y tế, mức dao động hoạt chất Axit Benzoic và Axit Sorbic có trong các sản phẩm tương ớt từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg là được phép. Tuy nhiên, 2 chất này không được cấp phép sử dụng trong các sản phẩm tương ớt tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản. Việc mâu thuẫn này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đại biểu đánh giá gì về vấn đề này?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng quy định mà như Bộ Y tế nói thì nó có thể phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn từ trước tới nay. Và khi Nhật Bản phát hiện trong sản phẩm tương ớt của Việt Nam có những chất mà thị trường Nhật Bàn không dùng thì rõ ràng họ thấy không phù hợp với người Nhật Bản tiêu dùng nên họ thu hồi. Đứng ở góc độ quy định của Việt Nam và các cơ quan quản lý của Việt Nam thì cần phải có những hợp tác với phía Nhật Bản để làm rõ vấn đề thì mới có thể trả lời cho dư luận Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam được. Bởi khi mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện theo đúng quy định của Việt Nam cũng như của Quốc tế để xuất ra nước ngoài, mà họ lại gặp những khó khăn như thế này? Thì rõ ràng kể cả phía người tiêu dùng và cả phía người sản xuất thì cũng đang rất lo lắng. Vậy thì không khác được, các cơ quan quản lý nhà nước phải lên tiếng và phải làm rõ để minh bạch và để trấn an dư luận.

Phóng viên: Việc Nhật Bản thu hồi 18 ngàn tương ướt Chin-su đã gây ảnh hưởng không tốt trong hoạt động kinh doanh tại thị trường 2 nước Việt Nam – Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung, Theo đại biểu, Bộ Y tế cần có hành động cụ thể như thế nào để trấn an dư luận trước khi làm minh bạch vấn đề?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi biết là mới đây, Bộ Y tế cũng kịp thời có văn bản để trả lời về sự viêc nói trên. Rõ ràng là việc phản ứng trả lời dư luận của Bộ Y tế cũng đã có sự kịp thời. Tuy nhiên, trong trả lời của Bộ Y tế cũng nói rằng là những tiêu chuẩn mà Masan đã sử dụng để sản xuất thì phù hợp với quy định của Pháp luật Việt Nam từ trước tới nay, mà theo tôi biết là những quy định về tiêu chuẩn này thì đã được ban hành từ năm 2012 và năm 2015. Cho tới nay, thời gian cũng đã nhiều năm rồi, chúng ta cũng cần có nghiên cứu, cần thiết thì phải sửa đổi làm sao cho phù hợp với hợp tác quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế trong khu vực cũng như trên thế giới để làm sao những quy định mà phía Nhật Bản quy định thì cũng phải được các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam phải biết để tránh tình trạng cứ quy định theo tiêu chuẩn của mình, tiêu chuẩn của Việt Nam nhưng lại không phù hợp với nước ngoài thì sản xuất ra không thể xuất khẩu theo các nước đó được.

Tôi cho rằng, những tiêu chuẩn trước đây mà chúng ta đã đưa ra chỉ phù hợp với đặc điểm, tiêu chuẩn của Việt Nam những năm trước đây, còn bây giờ, người tiêu dùng sẽ chọn những sản phẩm mà hài hoà với quy định của quốc tế để đảm bảo việc ăn uống, tiêu dùng phù hợp với quy định của quốc tế, đảm bảo sức khoẻ. Chính vì vậy, nếu không nghiên cứu, sửa đổi lại những quy định này, thì tôi cho rằng sẽ còn làm cho các doanh nghiệp khác sản xuất những mặt hàng như thế này sẽ còn gặp khó khăn. Nếu thấy các quy định trước đây đã không còn phù hợp nữa thì cũng cần sớm nghiên cứu sửa đổi những quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình trong nước, khu vực và thế giới.

Phóng viên: Theo đại biểu, sau vụ việc này chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề xuất khẩu hàng hoá như thế nào, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm, ngay từ khâu hải quan để đảm bảo đúng các tiêu chí quy định tại các nước tiêu thụ?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi thấy hầu hết các Hiệp dịnh thương mại tự do và đối với tất cả các khu vực đều đặt ra vấn đề an toàn thực phẩm. Việt Nam cần sớm áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế và không còn cách nào khác là các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu để đổi mới công nghệ và lấy tiêu chuẩn quốc tế và khu vực để áp dụng cho sản xuất. Không nên chỉ dựa vào những quy định hiện hành cùa nhà nước không còn phù hợp, nên cần nghiên cứu sửa đổi. Đối với vụ việc này, nếu vẫn muốn xuất sang Nhật Bản đối với lô hàng tương ớt thì không còn cách nào khác, phải thay đổi theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Nếu muốn giữ thị trường Nhật Bản để xuất khẩu vào thì không có cách nào khác ta phải nghiên cứu để sửa đổi. Giống như các nước muốn xuất khẩu vào thị trường Việt Nam thì cũng phải theo tiêu chuẩn của Việt Nam.

Đối với ngành Ngành hải quan cần chủ động trong việc nghiên cứu hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế, khi cần thiết thì phải có những cảnh báo ngay. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và thông báo rõ cho các doanh nghiệp chủ động. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi thì từng ngành cũng phải phát huy vai trò của mình và đưa ra những cảnh báo chung trong hệ thống quản lý nhà nước cũng như đối với các doanh nghiệp để giảm thiệt hại. Mỗi một lần xuất khẩu đi ra nước ngoài, doanh nghiệp cũng phải làm rất nhiều thủ tục, thì mới được xuất khẩu, mà nếu xuất khẩu rồi mà lại bị đưa về nữa thì kinh phí, thời gian, thủ tục rất là khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo tôi, qua sự việc này cần hết sức rút kinh nghiệm không chỉ là việc của cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp đó mà vấn đề rút kinh nghiệm chung từ các ngành trong vấn đề xuất khẩu sản phẩm nông sản và những sản phẩm thực phẩm của Việt Nam ra nước ngoài.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Kim Yến - Vũ Mai