ĐBQH BÙI THANH TÙNG: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DỰ BÁO VÀ CẢNH BÁO, CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

31/05/2019

Phát biểu tại hội trường trong Phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng ngày 31/5, đại biểu Bùi Thanh Tùng- Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường công tác dự báo và cảnh báo, chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại các nước có thể áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng- Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng phát biểu

Nhất trí cao với nhận định tổng quát trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 của Chính phủ trình tại kỳ họp, đại biểu Bùi Thanh Tùng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý IV năm 2018 chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Những kết quả nổi bật này ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Đà tăng trưởng và kết quả tích cực của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ở mức cao trong 5 tháng đầu năm 2019, cùng với sự quan tâm toàn diện và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện 4 lĩnh vực trọng tâm như trong báo cáo trình Quốc hội đã nêu. Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng cơ bản nhất trí với những đánh giá về những tồn tại, hạn chế và đồng ý với nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như phân tích của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận.

Tại phiên họp, đại biểu Bùi Thanh Tùng nêu và kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ một số nội dung sau:

Thứ nhất, hiện tại chúng ta đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại FTA thế hệ mới cũng như nhiều cam kết quốc tế theo hướng hội nhập sâu bên cạnh những lợi ích và cơ hội đem lại cho nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nội địa nói riêng, hàng hóa Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường xuất khẩu hoặc ngay trên trị trường nội địa đối với hàng đến từ các quốc gia có lợi thế về công nghệ, quản trị kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường công tác dự báo và cảnh báo, chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại các nước có thể áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cũng như quan tâm hơn việc hỗ trợ nâng cao trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt, xây dựng các hàng rào kỹ thuật trong thương mại để bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam trước các hàng hóa nhập khẩu những không vi phạm về các công ước quốc tế. Bên cạnh đó, kiểm soát các dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các quốc gia lớn cũng cần được xem xét chặt chẽ, có chọn lọc hơn để chủ động hạn chế những hệ lụy có thể nảy sinh.

Thứ hai, thành tựu thu ngân sách năm 2018 là rất cao với mức thu thực tế vượt 8% so với dự toán, trong đó lần đầu tiên thu ngân sách Trung ương đã vượt kế hoạch sau một số năm liền hụt thu. Tuy nhiên, nếu nhìn về cơ cấu thu thì cũng chưa thấy có chuyển biến đáng kể, theo hướng tích cực và chưa bền vững trong khi phần tăng thu ngân sách vẫn chủ yếu từ thu từ sử dụng đất đến 72,4% thì thu từ khối sản xuất của của cả 3 loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài đều không đạt kế hoạch, đặc biệt khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng mạnh về quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng thu lại đạt rất thấp chỉ đạt 83,6% kế hoạch, phải chăng các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ của chúng ta đối với khối này chưa trúng, chưa sát hoặc còn khó tiếp cận và môi trường sản xuất, kinh doanh còn rào cản. Vì sao năng suất lao động, sự liên kết chuỗi và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế hay việc thất thoát hoặc bỏ sót nguồn thu trong công tác quản lý thu vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được quan tâm. Bên cạnh đó, áp lực thu ngân sách của các địa phương nhất là các thành phố lớn khá cao, cũng một phần tạo ra sự khó khăn cho việc nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu. Rất mong Chính phủ phân tích kỹ các nguyên nhân trên để có các biện pháp hữu hiệu.

Toàn cảnh phiên thảo luận về kế hoạch phát triển KTXH và NSNN

Thứ ba, khi giám sát, khảo sát thực tế ở các địa phương và bộ, ngành có rất nhiều kiến nghị cho rằng khung pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo. Thậm chí một số luật mới được Quốc hội thông qua và ban hành không lâu cũng bị cho là còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, khi rà soát lại, mặc dù công tác xây dựng pháp luật của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu nhưng thực chất nhiều vướng mắc, khó khăn thì nguyên nhân ở khâu nhận thức pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức và khâu tổ chức, triển khai thực hiện pháp luật tại nhiều cấp, ngành. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo nâng cao năng lực điều hành thực thi chính sách của các cấp chính quyền cũng như tăng cường nhận thức pháp luật, trách nhiệm và kĩ năng thực thi công vụ của đội ngũ của chúng ta.

Thứ tư, những năm qua chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội của chúng ta có rất nhiều nguy cơ và thách thức. Việc quản lý chất thải nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hay làng nghề mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng còn không ít tồn tại, bất cập không chỉ khu vực đô thị mà môi trường nông thôn các lưu vực sông và môi trường biển đang đối mặt ngày càng gay gắt với ô nhiễm bởi chất thải. Kỷ cương, đạo đức xã hội ngày càng có nhiều điều đáng để suy ngẫm, hiệu lực pháp luật nhiều nơi đang bị buông lỏng khiến người dân bất an, bức xúc. Đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để giải quyết những tồn tại trên./.

 

Hồ Hương