ĐBQH NGÔ THỊ MINH: THÁO GỠ BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN HỢP ĐỒNG

04/08/2019

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đã có phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giải pháp tháo gỡ bất cập, đem lại sự công bằng, đáp ứng sự mong đợi chính đáng của 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn. Biện pháp căn cơ của Bộ trưởng nhằm góp phần khắc phục triệt để thực trạng này nhằm đem lại niềm tin cho giáo viên, thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Ngày 03/6/2019, Bộ Nội vụ đã có công văn số 2453/BNV-CCVC trả lời chất vấn của đại biểu. Công văn trả lời nêu rõ:

1. Theo quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 161.2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì việc quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Để tháo gỡ bất cập hiện nay trong công tác tuyển dụng giáo viên của thành phố Hà Nội, nhất là đối với giáo viên đang dạy hợp đồng, Bộ Nội vụ đã phối hợp, trao đổi với thành phố Hà Nội về vấn đề tuyển dụng viên chức giaos viên. Theo đó, Bộ Nội vụ đã đề nghị tổ chức rà soát thống kê số lượng nhà giáo hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét, quyết định việc tuyển dụng (qua thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc tuyển dụng đặc biệt) đối với viên chức ngành giáo dục năm 2019 phù hợp, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.

2. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/6/2018 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 5068/BNV-TCBC ngày 11/10/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số liệu biên chế sự nghiệp ngành giáo dục (trên cơ sở số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp tại văn bản số 4635/BGDĐT –NGCBQLGD ngày 05/10/2018), thì số giáo viên hợp đồng chuyên môn có mặt đến thời điểm 30/09/2018 trên phạm vi toàn quốc là 84.108 người.

Để khắc phục tình trạng hợp đồng giáo viên nêu trên, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban cán sử đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Theo đó, tại Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đồng ý cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Quy trình xét đặc cách thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý viên chức. Sau khi xét đặc cách, số giáo viên đang hợp đồng lao động nếu còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện thi tuyển, xét tuyển công khai theo quy định của Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi đã tuyển đủ số chỉ tiêu biên chế được giao mà vẫn dôi dư thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 9028-CV/VPTW nêu trên và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ tại Công văn số 771/VPCP-TCCV ngày 01/4/2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 171/BNV-TCBC ngày 24/5/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Theo đó, Bộ Nội vụ có đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn chức danh, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện việc tuyển dụng đặc cách số giáo viên đang hợp đồng lao động này, bảo đảm công khai, minh bạch. Sau khi xét đặc cách số giáo viên đang hợp đồng lao động nếu còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện thi tuyển, xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và văn bản hướng dẫn thi hành. Khi đã tuyển dụng đủ số chỉ tiêu biên chế được giao mà vẫn dôi dư thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

3. Để bảo đảm sự công khai, minh bạch, công bằng và thực hiện đúng quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng viên chức, Bộ Nội vụ đề nghị:

- Thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sugn một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành trong công tác tuyển dụng viên chức.

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển dụng hàng năm trên cơ sở chỉ tiêu số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền phân bổ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện. Qua đó, kịp thời bổ sung viên chức vào làm việc trong cơ quan, đơn vị mình theo nhu cầu.

- Việc tuyển dụng viên chức đã được phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Vì vậy, đề nghị các Bộ, ngành, đại phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng chức trách, thẩm quyền hoặc vi phạm trong tuyển dụng viên chức tại các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý./.

Lê Anh