GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: LUẬT KIẾN TRÚC - TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ VỮNG CHẮC CHO HOẠT ĐỘNG KIẾN TRÚC

02/08/2019

Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với 88,64% đại biểu tán thành. Luật được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế. Luật kiến trúc sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

 

Chùa Một Cột - công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam

Kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật – kỹ thuật có vai trò quan trọng, có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế-xã hội và tổ chức không gian sống của con người. Bởi vậy, quá trình xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển nền kiến trúc nước nhà có bản sắc, hiện đại, hội nhập quốc tế và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đủ năng lực và điều kiện hành nghề tốt. Trong thư gửi Hội nghị Kiến trúc sư năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của kiến trúc trong đời sống xã hội: ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc, vì vậy, việc kiến trúc là một việc rất quan trọng trong đời sống dân sinh.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì nên kiến trúc nước ta hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa thực sự đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...

 Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII 

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế tồn tại trong nền kiến trúc nước nhà, Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân cơ bản là về thể chế. Một số quy định pháp luật điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở một số văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống, chưa thống nhất và đồng bộ.

Để kịp thời khắc phục những bất cập cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiến trúc, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc. Sau quy trình thảo luận, cho ý kiến tại hai kỳ họp, Luật Kiến trúc đã được Quốc hội thông qua vào chiều ngày 13/6 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV với 88,64% đại biểu tán thành. Luật Kiến trúc được thông qua có 5 chương với 41 điều quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.

Các vị Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc

Luật quy định nguyên tắc hoạt động kiến trúc gồm: Tuân thủ Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Về điều kiện hành nghề kiến trúc, Luật quy định gồm: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc, kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này. Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề kiến trúc được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân...

Luật quy định nội dung quản lý Nhà nước về kiến trúc gồm: Ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về kiến trúc. Xây dựng, tổ chức thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch trong hoạt động kiến trúc; tổ chức, thống nhất quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn; quản lý hành nghề kiến trúc; cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; quản lý thông tin, lưu trữ tài liệu trong hoạt động kiến trúc; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc; tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động kiến trúc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động kiến trúc...

Để đảm bảo tính khách quan của hoạt động kiến trúc, Luật quy định cụ thể 9 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc, trong đó bao gồm: Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia; lợi ích quốc gia; lợi ích dân tộc; trật tự xã hội; môi trường sống; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm đưa, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc; tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc…Ngoài ra, Luật cũng quy định, ngày 27/4 hằng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam.

Tại Việt Nam, việc lần đầu tiên Dự án Luật Kiến trúc được ban hành đã đem lại sự kỳ vọng rất lớn cho giới Kiến trúc sư Việt Nam về một diện mạo mới của kiến trúc Việt. Tuy nhiên, cần chuẩn bị những điều kiện gì để luật đi vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi trên thực tế. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với Đại biểu Lê Công Nhường,  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Binh Định về vấn đề này.

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã  biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc. Vậy, đại biểu có đánh giá tổng quan như thế nào về Luật Kiến trúc?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc với đa số đại biểu tán thành, nhất trí cao. Cá nhân tôi đánh giá cao sự cần thiết ban hành Luật trong bối cảnh hiện nay. Nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư mặc dù đã có những bước phát triển quan trọng, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, nghệ thuật... Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập từ công tác quản lý kiến trúc; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc đến dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...  Vì vậy cho nên việc dự án luật kiến trúc thông sẽ giải quyết được những hạn chế , bất cập hiện nay; tạo đà cho kiến trúc Việt Nam phát triển.

Phóng viên: Thưa đại biểu, vậy đâu là những điểm đáng chú ý của Luật Kiến trúc?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Luật Kiến trúc với được thông qua có 5 chương với 41 điều với nhiều điểm đột phá. Luật quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Đặc biệt, trong Luật đã có một điều riêng quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc. Đồng thời, quy định các địa phương có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với từng vùng, miền, địa phương do mình quản lý. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc. Như vậy, nội dung kiến trúc phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc đã chính thức được luật hóa. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của các công trình kiến trúc, Điều 21 của Luật chỉ rõ 03 đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Với những cá nhân không có chứng chỉ hành nghề thì được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong các tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân. Ngoài ra còn có 1 số quy định mới đáng chú ý như: Áp dụng mẫu thiết kế riêng cho khu vực thường xảy ra thiên tai; Nhiều công trình của địa phương phải tổ chức thi tuyển; …

Phóng viên: Để Luật Kiến trúc đi vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi trên thực tế thì cần chuẩn bị những điều kiện gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Luật Kiến trúc sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Để Luật có thể đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả khi thực thi theo tôi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, kịp thời về văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục phát luật đến các đối tượng chịu sự tác động của Luật đặc biệt là đội ngũ kiến trúc sư. Tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định thì Luật mới phát huy được hiện quả trên thực tiễn.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì khi Luật Kiến trúc có hiệu lực?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Không chỉ tôi mà giới kiến trúc sư cũng như đã số cử tri rất kỳ vọng khi Luật có hiệu lực sẽ khắc phục được những bất cập, hạn chế trước đây của nền kiến trúc. Đặc biệt trong công tác quản lý, hành nghề kiến trúc, … sẽ có nhiều khởi sắc mang tính đột phá làm cơ sở quan trọng để tạo ra  những công trình kiến trúc mang đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc và trong tương lai không xa Việt Nam sẽ có nhiều và nhiều hơn nữa những công trình kiến trúc mang tầm vóc quốc tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Việc ra đời Luật Kiến trúc là vô cùng cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đô thị hóa mạnh mẽ. Đây là dự án Luật được giới kiến trúc sư Việt Nam cũng như đông đảo cử tri mong mỏi suốt 20 năm qua với mục tiêu, sẽ khắc phục được những bất cập nội tại cũng như vấn đề thiếu bản sắc của kiến trúc Việt Nam. Và để luật phát huy được hiệu quả trong thực tiễn, theo đại biểu Lê Công Nhường rất cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác triển khai thi hành luật từ việc ban hành văn bản hướng dẫn đầy đủ, kịp thời cho đến công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, quy định của Luật Kiến trúc đến đối tượng chịu sự tác động của Luật.

Lê Anh