ĐẠI BIỂU NGUYỄN TẠO: CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP HỮU HIỆU NGĂN CHẶN BẠO HÀNH TRONG TRƯỜNG HỌC

02/08/2019

Tình trạng bạo hành trẻ tại các trường mầm non là một trong các vấn đề gây bức xúc trong xã hội và dư luận thời gian qua, làm suy giảm niềm tin của cử tri và người dân đối với ngành giáo dục. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã chất vấn và đã giám sát việc thực hiện chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

Mỗi năm có hơn 2 nghìn trẻ bị bạo lực, bị xâm hại.

Cầm đầu, nhấc bổng trẻ lên; Thẳng tay tát vào mặt; Chửi bới, mắng nhiếc… Là cách chăm sóc trẻ của bà Đinh Thị Hồng, chủ nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Nạn bạo hành trẻ cũng xảy ra tại Trường tư thục ABC tại tỉnh Nghệ An khi cô giáo Nguyễn Thanh Hải đã kẹp người, kẹp cổ và đánh liên tiếp vào em bé đang theo học tại trường này.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, cô giáo Trường mầm non 30-4 cũng dùng những lời lẽ thô tục và vật cứng gõ vào mặt trẻ để bé “nhanh chóng” đi vào giấc ngủ.

Nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ.

Trên đây chỉ là một vài vụ việc trong số rất rất nhiều vụ bạo hành xảy ra trong trường học được đưa ra ánh sáng. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm có hơn 2 nghìn trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Trong đó, trẻ bị bạo hành trong trường học chiếm tỷ lệ không hề nhỏ.

Giáo viên, bảo mẫu thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu tình yêu thương, suy thoái đạo đức, tâm lý ức chế dồn nén lâu ngày là những nguyên nhân chính dẫn đến bạo hành trong trường học. Bởi thực tế số giờ lên lớp, số trẻ đông nhưng tiền lương thấp nên nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa quan tâm giải tỏa tâm lý của giáo viên, bảo mẫu. Đáng lo ngại, nhiều cơ sở đào tạo hiện nay vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên chất lượng về đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và chất lượng đầu vào của học viên. Tình trạng liên kết đào tạo giữa các trường có chức năng và công ty giáo dục tràn lan, khó kiểm soát dẫn đến chất lượng đào tạo giảm sút. Chính quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ dễ dàng, không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục mọc lên như nấm. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy hiện có khoảng 2 nghìn 400 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vi phạm về sử dụng giáo viên, nhân viên chưa đủ trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất không đảm bảo. Rõ ràng những bất cập này có thể là kẽ hở cho hành vi tàn ác của giáo viên, bảo mẫu.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội so sánh ở một số nước có nền giáo dục và đào tạo tiên tiến thì họ đặc biệt chú trọng đào tạo giáo viên mầm non, vì họ cho rằng đây là khởi đầu ban đầu của cả một quá trình học của các em. Hiện nay đào tạo giáo viên mầm non ở Việt Nam đang nhiều bất cập, nhất vẫn là cơ sở mầm non ngoài công lập, giáo viên chưa đạt chuẩn, thậm chí có cả bảo mẫu vẫn giảng dạy. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục vẫn buông lỏng quản lý, nhiều khi coi trọng chăm sóc về dinh dưỡng, còn chuẩn giáo viên để rèn luyện, hướng dẫn, dạy bảo tận tình cho các em từ thuở đầu đời còn nhiều khó khăn.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bạo hành trong học đường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể xác mà còn gây chấn động về tinh thần, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ thì bạo hành không chỉ ảnh hưởng xấu trong thời gian ngắn mà còn để lại di chứng suốt cuộc đời một con người. Ngoài ra, những trẻ nhỏ không được dạy dỗ, chăm sóc chu đáo còn có tâm lý lệch lạc, sau này lớn lên thích sử dụng bạo lực, thậm chí có tâm lý bất cần dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo. Tuy nhiên, thực tế những vụ bạo hành trẻ em ít được phát hiện kịp thời, chỉ khi hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng, các tổ chức giáo dục mới biết. Câu hỏi đặt ra là vai trò của các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia giám sát cũng như phối hợp với nhà trường dạy dỗ trẻ em đã hiệu quả hay chưa khi những vụ việc bạo hành trẻ em tại các trường mầm non vẫn diễn ra. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: Bạo hành chủ yếu xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục vì các thầy cô không được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng và chăm sóc, dạy các cháu chủ yếu theo bản năng. Theo tôi chúng ta cần chuẩn hóa lại đội ngũ giáo viên ở ngoài công lập hay là công lập thì các tiêu chuẩn về giáo viên, điều kiện chăm sóc, ăn ở và các tiêu chuẩn khác cần phải được đảm bảo.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đề nghị cần áp dụng triệt để các quy định trong Luật bảo vệ trẻ em. Việc thời gian qua các vụ bạo hành trẻ liên tiếp xảy ra có một phần nguyên nhân là luật chưa được áp dụng đầy đủ và nghiêm túc trên thực tế.

Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội 

Theo thống kê, hiện toàn ngành giáo dục có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon với 337.000 giáo viên. Phần lớn các thầy cô đều tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song đáng buồn là đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non gây bức xúc trong xã hội. Đáng buồn hơn là những cô giáo làm nhiệm vụ ươm mầm non cho tương lai lại có lối hành xử thiếu chuẩn mực với trẻ em và để lại nhiều hệ luỵ vô cùng lớn. Trẻ bị bạo hành không chỉ tổn thương về mặt thể xác mà còn là cả tinh thần và ảnh hưởng xấu đến nhân cách của trẻ, thậm chí đeo đẳng cả cuộc đời các em. Điều đáng nói, những vụ bạo hành trẻ em được công khai trên công luận mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vẫn còn nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra mà chưa được phát hiện và vẫn tiếp diễn nếu trách nhiệm của các chủ thể chưa được làm rõ. Hệ thống pháp luật đã có nhưng việc thực hiện vẫn còn bị buông lỏng. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đưa ra những giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn nạn bạo hành trong trường mầm non hay chưa?

Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Sau khi đại biểu chất vấn, ngày 22/6/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có Công văn số 2565 trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo về tình trạng bạo hành trong hệ thống các trường mầm non. Công văn nêu rõ: Mặc dù thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản phát triển giáo dục mầm non nhưng một số hiện tượng tiêu cực đã xảy ra trong hệ thống giáo dục mầm non như công tác quy hoạch, phát triển trường lớp; một số giáo viên mầm non chưa đảm bảo về phẩm chất, năng lực; công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với các ban ngành địa phương trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Cụ thể:

-Rà soát, sửa đổi Luật Giáo dục, Điều lệ Trường mầm non, Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục; rà soát bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển giáo dục mầm non; cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ giáo viên mầm non.

-Tham mưu trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng trường, lớp mầm non ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.

-Rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm.

-Chỉ đạo thực hiện Nghị định 80/2017 của Chính phủ về Xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh thân thiện và Chỉ thị số 18/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về an toàn trường học.

-Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt có giải pháp hiệu quả trong giám sát, phát hiện hành vi bạo hành trẻ và những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các nhóm, lớp độc lập tư thục, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

Ngành giáo dục cần làm gì để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mầm non?

Có thể nói, những vụ việc bạo hành trẻ em vẫn liên tục diễn ra và đang ở mức báo động. Bạo hành trẻ không chỉ đi ngược với chuẩn mực đạo đức của xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý nghiêm minh. Vậy những giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong phần trả lời chất vấn đại biểu đã có chuyển biến tích cực trong thực tiễn kể từ khi đại biểu chất vấn đến nay? Ngành giáo dục cần làm gì để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mầm non? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng:

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những bất cập trong công tác quản lý giáo dục mầm non thời gian qua, vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung chất vấn tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Giáo dục mầm non thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập từ công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, dẫn tới một số tiêu cực trong giáo dục mầm non. Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo dục mầm non, các tiêu chuẩn chưa đủ điều kiện để nuôi giữ trẻ trong trường mầm non gần như đã diễn ra tự phát ở nhiều địa phương gây bức xúc của cử tri, dẫn tới tiêu cực đặc biệt có trường hợp bạo hành với các trẻ em trong quá trình nuôi dạy trẻ. Vấn đề này đã được báo chí phản ảnh, các cơ quan tố tụng đưa ra xét xử. Ở đây chúng ta bắt đầu câu chuyện quản lý và giáo dục mầm non phải được sự đầu tư đặc biệt của nhà nước, đặc biệt cần có quy hoạch xây dựng trường mầm non theo yêu cầu phát triển của kinh tế xã hội của từng vùng của từng địa bàn nhất định.

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào mà đại biểu chất vấn Bộ Giáo dục và Đào tạo về những bất cập trong giáo dục mầm non? Và theo đại biểu đâu là nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập đó?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Trước áp lực tăng dân số cơ học, cơ sở vật chất kinh tế phát triển nhanh chóng thì nhiều khu dân cư hình thành mà quy hoạch các trường mầm non được phê duyệt lại chậm hơn. Chúng ta đã buông lỏng trong khâu quản lý, từ đó nhiều nhà trẻ bộc phát đã được hình thành ở khu dân cư, khu công nghiệp. Khi đã hình thành tự phát thì lực lượng giáo viên mầm non cũng không được đào tạo bài bản, qua trường lớp, các điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở tự phát không đủ nuôi dưỡng các cháu.

Với sự hình thành và phát triển như vậy công tác quản lý giáo dục mầm non bị buông lỏng và nhu cầu gửi trẻ là nhu cầu phát triển bình thường trong các khu vực đó thì người dân đến gửi trẻ và gặp phải tình trạng trẻ không được chăm sóc đàng hoàng, đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn được quy định, với trang thiết bị và đội ngũ giáo viên không bảo đảm, từ đó phát sinh ra nhiều trường hợp bạo hành trẻ, bị dư luận xã hội lên án và gây bức xúc cho cử tri trong thời gian qua.

Phóng viên: Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn trả lời, trong đó nêu những tồn tại, bất cập cũng như giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Đại biểu có hài lòng với những giải pháp mà Bộ giáo dục và Đào tạo đã nêu ra?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã có sự chỉ đạo và phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đã vào cuộc tích cực và rà soát lại hệ thống giáo dục mầm non trên địa bàn, chấn chỉnh kịp thời, thời gian vừa qua chúng ta thấy từng bước đã đi vào hoạt động nề nếp hơn và mang lại hiệu quả và tạo niềm tin cho cử tri, đặc biệt là từ kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 6, trong 1 năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý trong hệ thống giáo dục mầm non hiện nay.

Phóng viên: Theo đại biểu đánh giá, những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu đã giải quyết căn bản những tồn tại lâu nay của giáo dục mầm non hay chưa, và cần bổ sung giải pháp cũng như cơ chế chính sách như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Chúng tôi quan tâm hai nội dung đó là sự đầu tư của nhà nước đối với hệ mầm non, cần có đầu tư căn cơ hơn. Nơi nào hình thành khu dân cư đông người thì cũng cần bổ sung quy hoạch trường mầm non cho phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, tránh gây áp lực đối với các cơ sở mầm non trên địa bàn. Thứ hai là nguồn nhân lực, cần đào tạo giáo viên mầm non chuẩn mực hơn, giáo viên mầm non không chỉ có kiến thức mà còn đào tạo để các giáo viên làm vai trò của người mẹ chăm sóc con trẻ lúc các em ở trường. Nếu có đủ điều kiện vật chất, đội ngũ giáo viên chất lượng thì chắc chắn các cháu sẽ được tốt hơn. Tuy nhiên, đối với phụ huynh học sinh cũng chỉ nên đưa các em đến các cơ sở mầm non đạt chuẩn, có uy tín, chứ không nên đưa vào các hộ giữ trẻ. Tôi tin, với những giải pháp như vậy sẽ cải thiện được từ phía nhà nước, xã hội, nhận thức của từng phụ huynh học sinh thì môi trường giáo dục mầm non trong thời gian tới sẽ được cải thiện.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, chất lượng giáo dục mầm non có ý nghĩa quyết định, tạo sự khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặt nền tảng cho các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. Theo đại biểu, Bộ giáo dục và đào tạo đã coi trọng đúng mức giáo dục mầm non hay chưa?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Thời gian qua chúng ta chưa thực sự quan tâm đến giáo dục mầm non, ngay như trên địa bàn Lâm Đồng, vai trò xã hội hóa trong đầu tư cơ sở giáo dục mầm non nhiều hơn. Khi xã hội hóa mầm non nhưng lại tách quản lý, chúng ta không chú trọng quản lý nhà nước thì điều tất yếu là chất lượng giáo dục mầm non sẽ giảm sút. Do đó, chúng ta cần phát huy vai trò của nhà nước của xã hội hóa nhưng vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần từng bước được nâng lên như giáo dục phổ thông, giáo dục đại học thì tương quan này sẽ xây dựng được hệ thống giáo dục mạnh từ mầm non tới đại học, sau đại học. Tôi nghĩ, với giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục đưa ra về lâu dài sẽ khắc phục được tồn tại của giáo dục mầm non thời gian qua.

Phóng viên: Theo đại biểu, trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục trong việc xây dựng chính sách mang tính đột phá đối với lĩnh vực giáo dục mầm non như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Sự nghiệp trồng người phức tạp, nhạy cảm, muốn đánh giá hiệu quả cần có một thời gian, do vậy ngành giáo dục đang khắc phục dần những tồn tại, làm sao sự nghiệp trồng người ngày càng tốt hơn. Xã hội, cử tri rất quản tâm đến sự nghiệp giáo dục.

Trước những vụ việc không đáng xảy ra, thì có những vụ việc liên quan đến công tác quản lý, buông lỏng. Chúng ta không cầu toàn là ngành giáo dục phải đáp ứng 100% yêu cầu xã hội đặt ra nhưng cũng yêu cầu ngành giáo dục cần cải tiến hơn trong công tác quản lý, nâng cao dần, cải thiện dần môi trường giáo dục tốt nhất để mọi người có thể tiếp cận được sản phẩm giáo dục tốt nhất và những con người tương đối hoàn hảo để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Với trách nhiệm của người đứng đầu, tôi chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục, để quản lý điều hành khoa học, tốt nhất thì cũng cần có thời gian, lộ trình thì hiệu quả của giáo dục mới phát huy, phải có thời gian mới có thể đánh giá, nhận xét hiệu quả của ngành giáo dục.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Qua ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo cho thấy, tình trạng bạo hành trẻ mầm non luôn là vấn đề nóng và liên tục được đại biểu chất vấn tại nghị trường. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là một trong vấn đề gây bức xúc trong xã hội và khẳng định quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh và cử tri cả nước vẫn trông chờ ở người đứng đầu ngành giáo dục có những quyết sách và hành động quyết liệt, khẩn trương hơn nữa nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, để bạo hành học đường không còn là nỗi ám ảnh, để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui./.

Lan Hương