ĐBQH NGUYỄN TẠO: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

17/02/2020

Nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Nguyễn Tạo- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra một số quan điểm cụ thể về nội dung dự Luật.

 

Đại biểu Nguyễn Tạo cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

Về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư và tên gọi của luật, theo đại biểu, Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các hoạt động đầu tư ngày càng sôi động hơn, công tác quản lý nhà nước về đầu tư cũng được nâng cao hơn, đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, qua quá trình tổ chức thực hiện, luật đã xuất hiện một vướng mắc, hạn chế, bất cập về cơ chế, thủ tục, trình tự, nội dung, đặc biệt là đổi mới trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, như báo cáo tổng kết thi hành luật đã nêu.

Trước yêu cầu mới phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện pháp luật, về đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản có liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư để đáp ứng yêu cầu thực tiễn là cần thiết, đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị nên lấy tên luật là Luật Đầu tư (sửa đổi) cho phù hợp.

Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ở Điều 7, đại biểu đề nghị quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn về tiêu chí xác định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, như đã quy định tại khoản 1 Điều 7. Đồng thời rà soát kỹ lại quy định rõ những thủ tục cần thiết trong luật này khi đầu tư vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của bỏ thủ tục bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trừ thủ tục hành chính được giao trong luật. Quy định như thế là không tạo sự chủ động cho các địa phương với các điều kiện khi các quy hoạch thu hút đầu tư đã được Chính phủ, đã được các ngành phê duyệt thì Hội đồng nhân dân các cấp được quy định đổi mới hơn trong điều kiện về đầu tư kinh doanh khi đã có sự phê duyệt của cấp trên. Cũng tại điều này, đề nghị bỏ quy định phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí, tuân thủ của các nhà đầu tư được quy định tại khoản 4, vì danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể ở trong luật, do đó không nên lặp lại vấn đề này.

Về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư ở Điều 18, dự thảo luật quy định nhà đầu tư căn cứ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 16, Điều 17 của luật này để trình nhà đầu tư nếu có quy định khác của pháp luật có liên quan để xác định ưu đãi đầu tư vào thực hiện theo hướng là hưởng ứng với từng loại ưu ưu đãi đầu tư. Đại biểu cho rằng quy định này đều rất chung chung và tính khả thi không cao, khó thực hiện trong thực tiễn. Do đó đại biểu đề nghị quy định chi tiết hơn bởi vì chúng ta đang tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính.

Về thời hạn xét duyệt đầu tư, tại khoản 2, khoản 4 và khoản 6 Điều 34 về hồ sơ trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khoản 2 thời hạn 35 ngày và khoản 4 trong thời hạn 15 ngày, khoản 6 là thời hạn 25 ngày. Đại biểu đề nghị xem xét quy định theo hướng đẩy mạnh hơn việc cải cách thủ tục hành chính triệt để hơn. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan liên quan nghiên cứu rút ngắn thời hạn thông báo thẩm định, lập báo cáo thẩm định. Có thể theo mức tương ứng là 20 ngày ở khoản 2, 10 ngày ở khoản 4 và 15 ngày ở khoản 6 để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xét duyệt triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tạo sự đột phá về cải cách thủ tục hành chính và sửa đổi mới, đẩy mạnh tư duy ở lần sửa đổi luật này. Tương tự, đại biểu cũng đề nghị rút ngắn thời gian về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 35 và của Quốc hội ở Điều 36 cho phù hợp hơn.

Về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư ở Điều 38 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về vấn đề minh bạch, công khai hóa các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư, đại biểu đề nghị quy định chi tiết điều kiện hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư trong luật và luật hóa các nghị định đã triển khai thực hiện trong quá trình có Luật Đầu tư đến nay và không nên giao cho Chính phủ quy định việc này.

Về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đại biểu đề nghị bỏ những quy định trong dự thảo quy định những chi tiết không cần thiết tập trung áp dụng cho nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước hoặc có sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài. Các quy định của luật xác định rõ hơn các nguyên tắc khi đầu tư ra nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước đầu tư ra nước ngoài thuộc trường hợp bị điều chỉnh của luật cũng phải tuân thủ các quy định của luật này và quy định khác của các pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư. Sau đấy là nước tiếp nhận đầu tư và các điều ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động khi kinh doanh ở nước ngoài. Đại biểu cũng cho rằng cần khuyến khích các nhà đầu tư trong nước không phải là doanh nghiệp nhà nước, không sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác và phát triển, mở rộng thị trường, tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thu ngoại tệ tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Về phụ lục, danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện, trong dự thảo Luật đã quy định 236 ngành, nghề đầu tư có điều kiện. Đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ, phân loại từng ngành, nghề vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng ở khoản 1 Điều 7 để xác định những ngành, nghề này là có căn cứ thiết thực, qua đó có thể lược bớt một số ngành, nghề để không ảnh hưởng nhiều hoặc những quy định có điều kiện cụ thể, đơn giản hơn để phục vụ thiết thực đời sống kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, về vấn đề chuyển nhượng dự án, quy định tại Điều 46, đại biểu đánh giá thực trạng triển khai thực hiện dự án đã phát sinh quan hệ chuyển nhượng dự án với nhiều lý do khách quan và chủ quan diễn ra trong thực tiễn. Do đó vấn đề đặt ra là phải có một sự gắn kết để giải quyết đồng bộ các vấn đề phát sinh khi cho phép chuyển nhượng dự án. Đó là, gắn với quan hệ chuyển nhượng quyền sử dụng đất có liên quan đến một là Luật Đất đai, hai là Luật Kinh doanh bất động sản; khắc phục tình trạng chồng chéo, xác định cơ quan có thẩm quyền làm đầu mối về trình tự, thủ tục chính. Vấn đề này triển khai trong thực tế rất lòng vòng và khó khăn khi giải quyết chuyển nhượng dự án. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ nội dung này ở dự Luật về quan hệ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng dự án và ngược lại, xử lý được việc sử dụng dự án gắn với quan hệ sử dụng đất./.

Hồ Hương