ĐBQH DƯƠNG MINH TUẤN: XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH RIÊNG TRƯỚC KHI ĐỦ ĐIỀU KIỆN XÂY DỰNG LUẬT VỀ HỘ KINH DOANH

02/03/2020

Phát biểu ở Hội trường trong Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Dương Minh Tuấn- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến nội dung về hộ kinh doanh cá thể.

 

Đại biểu Dương Minh Tuấn phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Dương Minh Tuấn chỉ ra rằng, theo Tờ trình của Chính phủ, Ban soạn thảo đưa ra 3 lý do chính để đưa hoạt động của loại hình hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, đó là "địa vị pháp lý, trách nhiệm dân sự, quyền và cơ hội kinh doanh". Đại biểu bày tỏ sự ủng hộ việc nâng tính pháp lý và nâng tầm hộ kinh doanh lên thành luật. Tuy nhiên đại biểu vẫn còn một số băn khoăn và đưa ra một số phân tích sau:

Về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, đại biểu chỉ rõ, hành lang pháp lý hiện nay của hộ kinh doanh là Nghị định 78 của Chính phủ, trong nghị định này, hộ kinh doanh tồn tại ở một chương, đó là Chương VIII mang tên đăng ký hộ kinh doanh, gồm 14 điều, từ Điều 66 đến Điều 79, với tổng cộng là 238 dòng chữ, quy định rất cụ thể về hộ kinh doanh từ thành lập đến chấm dứt hoạt động kinh doanh. Nếu chuyển qua Luật Doanh nghiệp thì trong phần dự thảo được thiết kế thành 1 chương, chương này có thể gọi là chương phụ, bởi vì đó là Chương VIIa, gói gọn trong 5 điều, 5 điều này cũng chỉ có một điều lớn và các điều đi cùng. Đó là Điều 187b, 187c, 187d, 187đ và 187e, chỉ gồm có 76 dòng, rất ngắn gọn, không diễn đạt hết nội dung.

Đại biểu cũng phân tích, trong nội dung của hai hành lang pháp lý này thì điểm quan trọng lớn là hộ kinh doanh đối với nghị định cũ do một cá nhân hoặc một nhóm người trên đất nước Việt Nam. Trong khi dự thảo Luật Doanh nghiệp thì hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên trong gia đình và lĩnh vực trong Nghị định cũ thì hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, bán hàng rong không phải đăng ký. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp thì không có quy định loại bỏ này, tức là tất cả đều phải đăng ký hết, dù lớn hay nhỏ. Thêm vào đó, các nội dung trong dự thảo về cách thức quy định gần giống như là hợp tác xã, mà quan trọng là có một số câu chữ, cách sử dụng là chủ hộ, hộ. Nếu so với Bộ luật Dân sự thì dường như Bộ luật Dân sự, những từ chủ hộ này quá cũ và gần như không còn dùng nữa. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải so sánh lại tính tương thích giữa các Luật.

Về trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh, đại biểu nêu rõ trách nhiệm dân sự là các thủ tục mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chấp hành, đó là mở sổ sách, thuê kế toán làm báo cáo tài chính, lưu trữ hóa đơn, v.v.. Có ý kiến cho rằng hộ kinh doanh cá thể chiếm hơn 13% doanh thu của các loại hình doanh nghiệp nhưng chỉ đóng góp 1,3% thuế, cần phải tăng cường quản lý, tạo bình đẳng cho tất cả cá nhân, tổ chức khi tham gia thị trường. Nếu hiểu như vậy, sẽ cho rằng hộ kinh doanh không được quản lý. Tuy nhiên, đại biểu phân tích, việc thu ít, thu thấp không có nghĩa là lỗi của hộ kinh doanh mà đó là do cơ quan quản lý nhà nước chưa sát để hành thu đối với các hộ kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là vì sao hộ kinh doanh không muốn hoặc là ngần ngại lên doanh nghiệp? Đó là quy mô rất nhỏ nhưng chấp hành quá nhiều nội dung. Vậy tại sao thay vì ghép hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp ta không suy nghĩ đến điều đó là hạ tiêu chí đơn giản hơn đối với các doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ để tiệm cận giữa những doanh nghiệp này với những tiêu chí rất là thấp, sát với hộ kinh doanh. Cụ thể là hộ kinh doanh sử dụng khoán thì ta có thể cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cũng sử dụng hình thức khoán được hay không?

Đại biểu Dương Minh Tuấn nhấn mạnh, hộ kinh doanh là một thành tố hết sức quan trọng trong nền kinh tế nước ta, không chỉ ảnh hưởng 5 triệu người mà có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội. Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, luật hóa hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa vào luật chỉ mang tính cơ học, đó là bóc tách một phần nội dung của Nghị định 78 để đưa thành một chương của Luật Doanh nghiệp mà chưa có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động một cách thấu đáo, toàn diện, đầy đủ là chưa thuyết phục. Do đó, Đại biểu đề nghị giải pháp cần làm là giảm tối đa điều kiện hoạt động kinh doanh cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sửa quy định về kê khai nộp thuế, sổ sách kế toán thay vì khiên cưỡng đưa hộ kinh doanh vào luật để đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp. Nên tạo cơ chế khuyến khích thông thoáng để các doanh nghiệp nhỏ gần hơn với hộ kinh doanh, khi đó hộ kinh doanh sẽ tự nguyện nâng cấp lên thành doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu thống nhất với ý kiến nhận định của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đó là cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng trước khi đủ điều kiện xây dựng thành một luật riêng về hộ kinh doanh./.

Hồ Hương