ĐBQH NGUYỄN LÂM THÀNH: CẦN RÀ SOÁT, NGHIÊN CỨU KỸ MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

27/02/2020

Nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã cho một số ý kiến và đề nghị cần rà soát kỹ các quy định cụ thể của dự Luật.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội trường

Cho ý kiến tại phiên thảo luận toàn thể ở Hội trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và cũng thống nhất với nhiều nội dung của báo cáo thẩm tra. Ngoài ra, đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào một số nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự Luật.

Về phạm vi điều chỉnh liên quan đến hộ kinh doanh, đại biểu phân tích, hộ kinh doanh có một vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Theo báo cáo thống kê năm 2018 có 4,59 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông lâm nghiệp, tạo việc làm cho 7,6 triệu lao động. Năm 2017 doanh thu đạt tới 24 triệu tỷ bằng 13,3% doanh thu của doanh nghiệp, tuy nhiên khối này mới nộp ngân sách nhà nước 11,6 nghìn tỷ đồng, 1,35% đóng góp của khối doanh nghiệp và điều này cho thấy, việc đưa hộ kinh doanh vào diện quản lý là một chủ trương và định hướng đúng, một mặt để tăng cường quản lý nhà nước. Mặt khác việc quy định trong Luật cũng là để có chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khu vực này ngày càng một lớn mạnh hơn và đặc biệt là bảo đảm nguyên tắc công bằng đối với các loại hình sản xuất kinh doanh khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật cũng cần phải xem xét. Bởi vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp và mức độ sản xuất kinh doanh cũng rất khác nhau. Có những hội rất đơn giản, nhỏ lẻ. Có những hộ thì có quy mô lớn và có doanh thu lớn.

Đại biểu đánh giá rằng vấn đề vướng mắc chính hiện nay là việc triển khai những ưu đãi đối với hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 chưa được thực hiện hoặc là thực hiện chưa đáng kể và việc chuyển đổi cũng chưa có tính chất bắt buộc nên người kinh doanh có xu hướng lựa chọn những gì thấy thuận lợi, đơn giản và ít chịu sự ràng buộc về mặt pháp lý. Mặt khác, các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo luật tại Chương VII còn mang tính hành chính và chưa làm rõ các quyền của hộ kinh doanh như trong khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn, hệ thống kế toán đơn giản, thuận tiện. Đại biểu chỉ ra rằng nếu đưa hộ kinh doanh vào luật thì cần có những quy định cụ thể hơn về cơ chế, chính sách, thủ tục để đảm bảo hoạt động của hộ kinh doanh được thuận lợi chứ không gây nên những trở ngại, nhất là những quy định cứng nhắc về chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần có thêm những nghiên cứu, đánh giá tác động ảnh hưởng của chính sách mới này để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau quyết định.

Liên quan đến vấn đề về doanh nghiệp nhà nước, đại biểu chỉ rõ, quy định khái niệm doanh nghiệp nhà nước tại dự Luật đáp ứng yêu cầu thể chế theo Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương về doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đề nghị cần xem xét vấn đề này ở nhiều góc độ. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01/01/2018 thì cả nước có 1.204 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc mọi cấp độ quản lý và 1.282 công ty cổ phần có cổ phần nhà nước lớn hơn 50% thuộc mọi góc độ quản lý. Như vậy, trường hợp mở rộng tối đa khái niệm doanh nghiệp nhà nước nắm trên 50% vốn thì ít nhất có thêm 1.282 công ty cổ phần, tức là khoảng 2.500 doanh nghiệp được gọi là doanh nghiệp nhà nước trở thành đối tượng điều chỉnh của luật này và hiện có 9 luật quy định về chủ thể doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là nhiều luật tác động trực tiếp đến doanh nghiệp như Luật Đấu thầu là toàn bộ các dự án đầu tư phát triển của Luật Doanh nghiệp nhà nước từ mọi nguồn vốn phải thực hiện theo luật, Luật Xây dựng tại Điều 60, Điều 63, Luật Ngân sách nhà nước tại Điều 5, Điều 35, Điều 37, Luật Quản lý tài sản công, Luật Kiểm toán nhà nước và rất nhiều những văn bản dưới luật khác. Việc mở rộng khái niệm tác động rất lớn đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, trong khi thực tế hiện nay cơ chế quản lý hoạt động của doanh nghiệp nhà nước rất phức tạp. Nếu mở rộng thì quá trình cổ phần hóa cũng gặp nhiều khó khăn do những lo ngại về quy định quản lý phức tạp đã nêu trên. Đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo Luật Doanh nghiệp cần bám sát quan điểm đổi mới, đưa các ý tưởng, nội dung tiến bộ vào luật nhằm phục vụ mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tối đa, với tinh thần cởi mở và minh bạch, không nên mở rộng phạm vi quy định đối với doanh nghiệp nhà nước, nhất là với trường hợp nhà nước góp ít vốn, góp vốn không nhiều.

Về đề xuất phương án tỷ lệ nắm giữ vốn hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước trong dự thảo, đại biểu nhất trí với nội dung của báo cáo thẩm tra là ít nhất tỷ lệ là 75%, nhằm bảo đảm được sự chi phối tuyệt đối của nhà nước trong việc quyết định những vấn đề quan trọng. Đồng thời nhóm doanh nghiệp với tỷ lệ góp vốn nhà nước là một loại hình hỗn hợp, không phải doanh nghiệp tư nhân, không phải là doanh nghiệp nhà nước, về lâu dài cần có hành lang pháp lý riêng cho loại hình doanh nghiệp này mà nhà nước không nắm 100% vốn. Tức là doanh nghiệp có phần vốn nhà nước tương tự như dạng thức loại hình đối tác công tư mà Quốc hội đã thông qua dự thảo luật. Có những quy định để bảo đảm tính phù hợp đối tượng, thông thoáng về mặt quản lý, hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn cổ đông khác. Bên cạnh đó cũng cần có sự phân loại theo lĩnh vực kinh doanh để định dạng doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với tỷ lệ góp vốn.

Đối với vấn đề về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích được quy định tại Điều 9, Điều 10 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, đại biểu phân tích, mặc dù các doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh với mục tiêu kiếm lợi nhuận để giải quyết vấn đề xã hội nhưng hiện nay chưa có các chính sách cụ thể, nhất quán khuyến khích cho loại hình doanh nghiệp này; đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các điều khoản nhằm tạo thuận lợi về thủ tục thành lập, cấp phép, đấu thầu, quản trị cũng như có chính sách ưu đãi hơn để khuyến khích loại hình doanh nghiệp xã hội phát triển. Đồng thời cũng rất cần thiết có quy định bổ sung về chính sách đối với doanh nghiệp hoạt động mang tính xã hội, như thu hút, sử dụng lao động là những người sau cai nghiện, người sau khi chấp hành án phạt tù, các đối tượng cải tạo khác, v.v. giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần cùng Nhà nước giải quyết vấn đề của xã hội.

Về con dấu của doanh nghiệp tại Điều 44, đại biểu cho rằng quy định doanh nghiệp có quyền quyết định có hoặc không có con dấu cần được xem xét và được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Trước mắt chưa nên quy định nội dung này do điều kiện, hoàn cảnh của nước ta rất là khác biệt so với các nước trên thế giới. Vì nhiều nước trên thế giới hệ thống pháp luật của họ rất là ổn định, người dân tuân thủ luật pháp và nền quản lý là trình độ phát triển kinh tế cũng đã cao, trong khi đó chúng ta đang trong quá trình hòa nhập, phát triển nên chưa đạt được trình độ này. Theo quan niệm của chúng ta, con dấu là dấu hiệu chứng thực và chứng danh khẳng định địa vị pháp lý của doanh nghiệp cũng như niềm tin vào doanh nghiệp và cũng thuận lợi cho công tác quản lý. Hơn nữa, nếu quy định như dự Luật cũng xung đột với một số Luật hiện hành đã quy định liên quan đến con dấu như Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tranh chấp cũng sẽ vướng mắc trong quá trình chúng ta chứng thực, xác thực đối với địa vị pháp lý của các doanh nghiệp. Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng đối với các quy định về con dấu của doanh nghiệp./.

Hồ Hương