GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NẮM BẮT CƠ HỘI ĐỂ VƯỢT QUA THÁCH THỨC TỪ DỊCH COVID-19

27/02/2020

Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12/2019 đã nhanh chóng lan rộng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia láng giềng với Trung Quốc, chung đường biên giới, có sự giao thương kinh tế, thương mại, du lịch và đi lại rất lớn nên đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội và ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Nhiều ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19

Trước tình hình dịch Covid 19 lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, Việt Nam công bố dịch, tại các trung tâm thương mại vốn sầm uất, sôi động ở Hà Nội bỗng  chốc trở nên vắng vẻ lạ thường. 

Bà Trần Thị Hiền: Chỉ khi có việc thực sự cần thiết mới ra khỏi nhà

Bà Trần Thị Hiền, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, chia sẻ, tranh thủ thời tiết nắng ráo và có công việc thực sự cần thiết nên bà buộc phải đến trung tâm thương mại sau nửa tháng chỉ ở trong nhà nhằm phòng tránh dịch bệnh có thể lây lan trong cộng đồng.

Chị Đinh Thùy Linh, nhân viên bán hàng ẩm thực tại Aeon Mall Hà Đông, cho biết: trước đây khu vực ẩm thực luôn tấp nập giới trẻ, học sinh, sinh viên ra vào ăn uống, tuy nhiên nay rất vắng khách vì mọi người đều có tâm lý đề phòng dịch. Không có khách, công việc của chị cũng bị ảnh hưởng lớn do doanh thu bán hàng giảm xuống trầm trọng. Nhiều cửa hàng khác cũng đã giảm số lượng nhân viên.

Trung tâm thương mại rất ít khách ra vào

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho biết: Ngành bán lẻ là một trọng những ngành bị tác động trực tiếp bởi lượt khách mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại vắng. Với việc người tiêu dùng hạn chế di chuyển đến những nơi công cộng sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng giảm xuống, kéo theo đó doanh số bán hàng cũng giảm.

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước năm 2019 đạt 116,87 tỷ USD; trong đó, Việt Nam nhập khẩu 75,45 tỷ USD (chiếm 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), xuất khẩu 41,41 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó giá trị của hàng sản xuất trong nước chiếm 55,5%) và nhập siêu từ Trung Quốc ở mức 34,04 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo thương mại hai nước Việt - Trung năm nay sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19.

Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng nông - thủy sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 20%) tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng từ đầu năm đến nay, giao dịch biên mậu giữa hai nước bị hạn chế, nhiều cửa khẩu liên tục đóng cửa, hàng nông sản ùn ứ ở biên giới Việt – Trung lâu ngày nên buộc phải quay trở lại thị trường Việt Nam tiêu thụ với các cuộc “giải cứu” thanh long, dưa hấu, khoai lang và thậm chí cả với tôm hùm. Các chuyên gia nhận định, ngành nông nghiệp tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng bởi vài tháng tới nông sản tới mùa thu hoạch rộ, trong khi đó nguồn tiêu thụ nước ngoài và trong nước chưa xác định được một cách đầy đủ và hiệu quả. 

Theo các chuyên gia, những ngành nghề Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2019, nước ta nhập khẩu hơn 253 tỷ USD, thì có tới hơn 75 tỷ USD là nhập từ Trung Quốc, trong đó, nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp như máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu có xuất xứ Trung Quốc đứng vị trí số 1 với kim ngạch nhập khẩu đạt gần 15 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch Covid 19 bùng phát mạnh nên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước ở một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc như ngành dệt may, da giày, điện thoại và linh kiện điện tử; máy vi tính…sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do nguyên liệu đầu vào dự trữ trước Tết bị cạn kiệt, gián đoạn chuỗi cung ứng.

Số lượng khách du lịch đến Việt Nam sẽ giảm từ 50-60% 

Với lĩnh vực du lịch, Việt Nam cũng là một trong những nước trong khu vực chịu tác động tiêu cực mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn dịch bệnh sẽ không có khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam và số lượng khách từ các quốc gia khác cũng giảm rất lớn do Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc. Dự kiến, số lượng khách sẽ giảm từ 50-60% trong giai đoạn có dịch. Dự báo, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế trong năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD. Nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD. Ước khoảng 3.000 lao động trong ngành du lịch, dịch vụ, ăn uống bị mất việc do lượng khách du lịch giảm hoặc hủy tour.

Ngành du lịch bị ảnh hưởng kéo theo sự suy giảm của các ngành vận tải đường bộ, hàng không, đường thủy, trong đó vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm tới hơn 79,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thống kê sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, việc các hãng hàng không trong nước dừng đường bay đến Trung Quốc do dịch Covid-19 gây thiệt hại khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý I/2020 thì tăng trưởng GDP năm 2020 dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020.

Nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức

Bên cạnh những tác động tiêu cực, nhiều chuyên gia nhận định “trong nguy có cơ”. Nhìn ở khía cạnh tích cực, đợt dịch bệnh khủng khiếp này sẽ mang đến không ít những thay đổi lớn, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, là bài học tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá lại vấn đề “tránh phụ thuộc vào một thị trường”, là cơ hội để tái cấu trúc, các doanh nghiệp sẽ tìm cơ hội ở các ngành nghề kinh doanh mới, bạn hàng mới.

Ông Tô Hoài Nam khẳng định: Cần phải tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường...

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: Đối với ngành nghề của ta phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, thì trong đợt dịch này các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác ở các quốc gia khác, thay đổi một phần cơ cấu nhập khẩu. Như vậy chúng ta giảm đi phần nào tính phụ thuộc vào một thị trường. Đối với hàng thiết yếu xuất khẩu của ta cũng có những cơ hội nhất định, bởi lẽ các nước không có dịch sẽ ưu tiên lựa chọn hàng hóa của những quốc gia không có dịch bệnh, các trung tâm không có dịch bệnh. Do vậy  đây cũng chính là cơ hội hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập vào thị trường thế giới.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 12/02/2020, đánh giá tác động của Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một thử thách mà chúng ta phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm nay. Nếu chỉ với cách làm bình thường, chúng ta sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác. Phải phấn đấu cao hơn nữa, với giải pháp cụ thể hơn nữa, kịp thời hơn nữa, thích ứng tốt hơn nữa. Thủ tướng nhấn mạnh: Không vì lý do dịch bệnh mà chúng ta thoái chí mà càng cần quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ và các địa phương là "hành động quyết liệt hơn nữa" để năm 2020 hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra trên toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tăng tốc hơn nữa với tinh thần khó khăn cũng chính là cơ hội 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tăng tốc hơn nữa với tinh thần khó khăn cũng chính là cơ hội để vượt lên chính mình, kiến tạo lại nền tảng có tính bền vững hơn và đạt được những thành quả to lớn hơn trong năm 2020. Thủ tướng nêu rõ: Việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy lùi được dịch bệnh thì mới thành công một nửa. Yêu cầu lớn hơn của Chính phủ là phải giảm thiểu tác động đến đời sống người dân và nền kinh tế; kiên quyết giữ vững và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra.

Theo các chuyên gia dự báo, kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid 19, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD. Không chỉ những tên tuổi lớn như Apple mà có tới khoảng 5 triệu doanh nghiệp toàn cầu chịu tác động từ dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Với Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Chỉ tính riêng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I/2020, ước tính quý I kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,5% và kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 14 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Vậy đâu là giải pháp hữu hiệu giúp các ngành kinh tế trụ vững trước sự đe doạ của dịch Covid-19? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng.

Đại biểu Phùng Văn Hùng: Cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu kinh tế

Phóng viên: Thưa đại biểu, dịch COVID-19 đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, mà tâm điểm là Trung Quốc, ngành nào, lĩnh vực nào ở nước ta dễ bị tổn thương nhất?

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Với Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn, có đường biên giới dài thì nguy cơ Covid ảnh hưởng đến nước ta là rất lớn. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có biện pháp rất quyết liệt, đặc biệt công bố dịch ở nước ta. Đây là biện pháp cao nhất để các cơ quan đơn vị cùng toàn nhân dân tập trung phòng chống dịch.

Rõ ràng, khi chúng ta triển khai các giải pháp phòng chống dịch Covid 19 thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến nhiều ngành trong đó ngành du lịch. Tôi cho rằng, ngành du lịch chịu tổn thương nhiều nhất. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, hơn 2 triệu khách Hàn Quốc và gần 1 triệu khách Nhật Bản. Tuy nhiên hiện nay, các nước này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Do vậy, khách du lịch từ các quốc gia này đến nước ta sẽ giảm, kéo theo các ngành hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch như hàng không, giao thông vận tải, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn cũng giảm theo.

Với ngành nông nghiệp cũng chịu tác động trực diện. Thống kê cho thấy Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm tới gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, kể từ 29/01/2020, Trung Quốc thực hiện tạm dừng thông quan, hàng hóa của Việt Nam nhất là nông sản đã bị đình trệ tại các cửa khẩu. Rõ ràng ngành nông nghiệp mà trực tiếp là bà con nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp đã và đang và tiếp tục chịu tác động nhất định từ dịch bệnh.

Ngoài ra, các ngành vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì năng lực sản xuất nhằm cung ứng hàng hóa, sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng vẫn có những ngành có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn và trong thách thức vẫn có cơ hội. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “Rủi ro” của ngành này nhưng cũng có thể là “cơ hội” của ngành khác. Ví dụ, khi xảy ra dịch bệnh thì ngành sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng và các nguyên liệu phục vụ chống dịch rất phát triển và chúng ta cũng đã có những chính sách như miễn thuế, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, do người dân hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tới nơi đông người nhưng nhu cầu nhu yếu phẩm tiêu dùng hàng ngày vẫn lơn nên việc mua sắm tiêu dùng thông qua hình thức trực tuyến rất phát triển, do đó ngành thương mại điện tử rất phát triển. Đồng thời, các dịch vụ cung cấp phần mềm làm việc từ xa tại nhà cũng phát triển theo.

Nhìn ở góc độ tích cực khác không thể phủ nhận đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới phương thức sản xuất nâng cao tính liên kết, bên cạnh đó nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao các tiêu chuẩn về lao động, môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn của các thị trường mới. Song song đó là phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, để hàng hóa Việt Nam có thể đến được nhiều nước. Với các doanh nghiệp vốn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, thay đổi tư duy và tìm cách tự chủ nguồn nguyên liệu.

Phóng viên: Theo đại  biểu, cần có những giải pháp gì để hỗ trợ các ngành, lĩnh vực ứng phó hiệu quả dưới tác động của dịch bệnh Covid-19?

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Bên cạnh các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, cần khẩn trương nghiên cứu, triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân, đưa ra chính sách tốt, các quy định pháp luật tốt, và môi trường kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn.… Ví dụ, thời gian qua, việc lưu thông hàng hóa nông sản bị gián đoạn bởi dịch bệnh, rõ ràng nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, miễn giảm các khoản nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân để nhanh chóng vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó cũng cần kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội chung tay với các doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn của người dân, nhất là bà con nông dân sản xuất nông thủy sản. Đồng thời, các bộ ngành chức năng tăng cường xúc tiến thương mại hàng hóa, khơi thông thị trường, tránh tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới.

Song song đó là mỗi doanh nghiệp cần chủ động, đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu, theo sát thông tin chủ động sản xuất kinh doanh; linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh. Cùng với đó các doanh nghiệp tận dụng cơ hội khi Việt Nam tham gia rất nhiều FTA, đây là một cơ hội để chúng ta tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu nguyên vật liệu để hỗ trợ sản xuất trong nước, không để các chuỗi sản xuất gián đoạn hay ngưng trệ vì quá phụ thuộc vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid - 19 ở Trung Quốc đã đang và sẽ còn tiếp tục gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta. Trước những khó khăn này, Chính Phủ đã có những sách lược cụ thể như không nới lỏng chính sách tiền tệ, yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, hạ chi phí logictis và không tăng giá các loại dịch vụ thiết yếu. Điều này, thể hiện quyết sách, nỗ lực từ Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, song kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng giữ vai trò nòng cốt cho nền kinh tế vượt qua khó khăn và duy trì phát triển./.

Lê Phương