ĐBQH NGUYỄN HUY THÁI CHẤT VẤN VỀ ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

30/03/2020

Trả lời chất vấn của của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 7 giải pháp để ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu về những giải pháp khả thi để ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả vào cải cách thủ tục hành chính được hiệu quả. Theo Đại biểu Nguyễn Huy Thái, bên cạnh những kết quả tích cực, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giao dịch điện tử gắn kết với cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) những năm qua và hiện nay đang tồn tại một số hạn chế, khó khăn, bất cập.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.

Thứ nhất, người đứng đầu một số cơ quan Nhà nước chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; chưa gương mẫu tham gia trực tiếp vào quá trình chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng.

Thứ hai, việc ứng dụng CNTT tại nhiều nơi chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động CCHC. Nhân lực ứng dụng CNTT tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vừa thiếu, vừa hạn chế về năng lực, nhất là bộ phận chuyên trách, tham mưu, quản lý về ứng dụng CNTT.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, hệ thống trang thiết bị của mạng lưới trực tuyến chưa đồng bộ, nhất là ở cơ sở.

Thứ tư, việc bố trí kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; trong hệ thống mục lục ngân sách nhà nước chưa có mục chi riêng cho ứng dụng CNTT mà chỉ được bố trí, cấp chung trong kinh phí hoạt động. Điều đó dẫn đến thực trạng là cơ quan, đơn vị, địa phương nào được lãnh đạo quan tâm thì mới có bố trí kinh phí cho ứng dụng CNTT.

Thứ năm, một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, mà mới chỉ quan tâm đến số lượng dịch vụ công trực tuyến triển khai nhưng chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến.

Thứ sáu, người dân chưa thay đổi được thói quen khi tiếp cận dịch vụ công, mà chủ yếu là tiếp xúc trực tiếp, hỏi, nhờ, yêu cầu cơ quan Nhà nước hướng dẫn, làm dùm... mà chưa tự tìm hiểu, tiếp cận, thực hiện dịch vụ công trên môi trường điện tử, dễ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.

Với những hạn chế, bất cập trên, Đại biểu Nguyễn Huy Thái đề nghị Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết Bộ đang và sẽ có những giải pháp khả thi để khắc phục thực trạng trên.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Huy Thái, ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, với chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp chính như sau:

- Đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc các Bộ, ngành triển khai các nội dung đối với cơ quan chủ quản triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định tại Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

- Triển khai, hướng dẫn ứng dụng CNTT theo hướng nâng cao hiệu quả, nhất là hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tập trung vào các thủ tục hành chính có tần suất người dùng cao.

- Phối hợp Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan tăng cường gắn kết chặt chẽ hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước với cải cách hành chính.

- Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành và áp dụng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ (đối với các Bộ, cơ quan, ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ), Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh (đố; với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), làm cơ sở triển khai hiệu quả, đồng bộ ứng dụng CNTT, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện môi trường pháp lý cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Trước tiên tập trung một số nội dung như về cơ chế quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước, sử dụng chữ ký số trong văn bản của cơ quan nhà nước, lưu trữ điện tử, xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật ứng dụng CNTT,...

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò và lợi ích của dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử trong xu thế thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các nội dung như ứng dụng Internet kết nối vạn vận (IoT), ứng dụng điện toán đám mây (Cloud Computing), xử lý dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social), đô thị thông minh (Smart city),...

Bộ trưởng Bộ TTTT cũng cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu kinh phí ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển khai ứng dụng CNTT, trong thời gian qua, Bộ đã có nhiều kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) để cố gắng tháo gỡ, tuy nhiên kết quả nguồn vốn cấp cho hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu.

Hiện nay, Bộ TTTT cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện ứng dụng CNTT; đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí cho Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020./.

Bích Lan

Các bài viết khác