ĐBQH NGUYỄN THANH XUÂN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ KHAI THÁC TÍNH ƯU VIỆT CỦA TRUYỀN THÔNG TRỰC TUYẾN

30/03/2020

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân- Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ, đề nghị Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết Bộ đã và đang có những chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể nào để giúp Chính phủ khai thác truyền thông trực tuyến trong xây dựng một xã hội “thông minh”, minh bạch, dân chủ.

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân- Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ khẳng định: Nhiều quốc gia đã và đang khai thác tích cực các đặc tính ưu việt loại truyền thông cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ này.

Tận dụng tính ưu việt trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân đề nghị Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết Bộ đã và đang có những chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể nào để giúp Chính phủ khai thác truyền thông trực tuyến trong xây dựng một xã hội “thông minh”, minh bạch, dân chủ... Đặc biệt là góp phần hiệu quả trong công cuộc phòng và chống lại sai phạm trong quản lý điều hành như: tham nhũng, lợi dụng kẽ hở pháp luật.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân- Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân, ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ TTTT nêu rõ: Sự xuất hiện của Internet cùng những phương tiện truyền thông mới trên môi trường Internet - phương tiện truyền thông trực tuyến - online, đã làm thay đổi thói quen giao tiếp và chia sẻ thông tin của người dùng, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến phương thức truyền thông truyền thống.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia đã và đang khai thác tích cực các đặc tính ưu việt của truyền thông trực tuyến như: Dễ dàng tiếp cận công chúng; mức độ lan tỏa và ảnh hưởng đến công chúng rộng rãi; chi phí đầu tư cho truyền thông thấp nhưng mang lại hiệu quả cao, để thông qua truyền thông trực tuyến giao tiếp với người dân, xây dựng hình ảnh cũng như tuyên truyền về chủ trương, chính sách của nhà nước. Ngay ở nước ta hiện nay, Chính phủ và nhiều Bộ, ngành đã thành lập trang mạng xã hội, kênh thông tin riêng trên Facebook, Youtube để cập nhật kịp thời các thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành tới người dân một cách minh bạch, chính xác và nhanh nhất; đồng thời cũng là kênh tiếp nhận phản ảnh từ người dân về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, cơ quan, vấn đề thực thi công vụ của công chức, viên chức.

Nhận thức được vấn đề này, Bộ TTTT tập trung phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời đối với các giải pháp, chính sách trong thời gian tới, Bộ đã có chủ trương khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội chủ động tổ chức các phong trào, chiến dịch cổ động nhằm phát triển các hoạt động mang tính nhân văn, hỗ trợ cộng đồng, đồng thời cũng hợp tác với các cơ quan nhà nước để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phục vụ định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Đối với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền, cần coi mạng xã hội cũng là một kênh truyền thống tương tự như báo, đài, truyền hình để tiến hành các hoạt động tuyên truyền. Đối với các ban, ngành hoạt động tiếp xúc với người dân nhiều thì càng cần coi mạng xã hội cũng như Internet là một kênh quan trọng và cần có kế hoạch truyền thông của riêng mình. Khuyến khích các cơ quan nhà nước bên cạnh website của mình cần mở thêm một kênh thông tin giới thiệu về chuyên ngành và lĩnh vực mình quản lý, qua đó tiếp cận và đưa thông tin dễ dàng đến người dân./.

Bích Lan

Các bài viết khác