ĐBQH ĐẶNG NGỌC NGHĨA CHẤT VẤN BỘ TƯ PHÁP VỀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, SOẠN THẢO PHÁP LUẬT

30/03/2020

Gửi văn bản chất vấn Bộ Tư pháp, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Tư pháp nêu rõ những nguyên nhân, giải pháp để tham mưu cho Chính phủ từng bước khắc phục những hạn chế trong công tác xây dựng, soạn thảo pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, công tác xây dựng và soạn thảo pháp luật và luật trình quốc hội có nhiều tiến bộ về nội dung và số lượng. Bên cạnh đó có một số tồn tại hạn chế kéo dài nhiều năm chậm khắc phục đó là:

Thứ nhất, nội dung của một số luật chưa bảo đảm chất lượng cá biệt có luật thông qua và sắp đến thời gian hiệu lực thì phải dừng lại và phải thảo luận nhiều kỳ họp mới thông qua được.

Thứ hai, hời gian dự thảo luật gửi đến đại biểu Quốc hội hầu hết không đúng thời gian theo quy trình xây dựng pháp luật.

Vậy trên cương vị là Bộ trưởng, đề nghị đồng chí cho biết những nguyên nhân chính nào để những hạn chế trên kéo dài nhiều năm; thời gian tới đồng chí có những giải pháp nào để tham mưu cho Chính phủ để từng bước khắc phục những hạn chế trên.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế về những nguyên nhân, giải pháp để tham mưu cho Chính phủ từng bước khắc phục những hạn chế trong công tác xây dựng, soạn thảo pháp luật trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cho biết:

Về nguyên nhân, Bộ Tư pháp nêu rõ, trong quá trình đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp cũng như cơ quan đề xuất còn chưa trù liệu hết được các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, thời gian và nguồn lực mà các cơ quan chủ trì dành cho việc xây dựng, thẩm định dự thảo luật, pháp lệnh còn chưa tương xứng với yêu cầu và tính chất phức tạp của công việc này.

Ngoài ra, do yêu cầu về hoàn thiện pháp luật để giải quyết nhiều vấn đề tại cùng một thời điểm, nhất là các vấn đề mới phát sinh, nhiều bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo cùng lúc 2-3 dự án luật để trình Quốc hội trong một kỳ họp, tạo ra sức ép công việc rất lớn. Mặt khác. việc tuân thủ các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được đảm bảo về thời gian gửi hồ sơ trình, thẩm định, thẩm tra, góp ý; phối hợp hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh.

Về một số giải pháp khắc phục trình trạng trên trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp các Bộ, ngành giúp Chính phủ lập đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm đảm bảo tính khả thi; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; công khai tình hình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các dự án chưa đảm bảo tiến độ trên Trang Thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tăng cường các buổi làm việc với Ban soạn thảo các dự luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 để trực tiếp nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tiến độ chuẩn bị các dự án.

Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác xây dựng pháp luật, duy trì việc tổ chức Phiên họp chuyên đề để thảo luận, chỉ đạo xử lý những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội; quan tâm, kiện toàn tổ chức, biên chế và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế./.

Thu Phương

Các bài viết khác