ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM THÚY CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA CÁC CÔNG TRÌNH KHAI THÁC BÔ XÍT Ở TÂY NGUYÊN

30/03/2020

Gửi văn bản chất vấn Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy- Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Công thương giải trình về hiệu quả kinh tế và sự an toàn của các công trình khai thác Bô xít ở Tây Nguyên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy- Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho biết, cách đây 7 năm, khi dư luận và nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về hiệu quả kinh tế và sự an toàn của các công trình khai thác Bô xít ở Tây Nguyên, Bộ Công thương đã có văn bản giải trình và cam kết trước Quốc hội.

Thực tế hiện nay cho thấy những lo lắng của dư luận và đại biểu là hoàn toàn đúng, thể hiện qua việc thua lỗ, xảy ra một số sự cố tràn bùn đỏ và hóa chất, phá hủy các đường giao thông từ khu vực Tây Nguyên xuống vùng biển… Vậy Bộ trưởng đánh giá những ý kiến giải trình, cam kết trước đây của Bộ trưởng như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy- Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, về hiệu quả kinh tế của các công trình khai thác Bô xít ở Tây Nguyên, Bộ Công thương cho biết:

Về hiệu quả kinh tế của các dự án, Bộ Công thương cho biết, dự án Tân Rai đã chính thức đi vào sản xuất, có sản phẩm thương mại từ tháng 10 năm 2013, Dự án Nhân Cơ đã hoàn thành đầu tư, đang trong quá trình chạy thử, dự kiến có sản phẩm thương mại vào tháng 12 năm 2016.

Cuối năm 2015 và năm 2016, giá kim loại và khoáng sản trên thị trường thế giới giảm mạnh, giá alumim (quy đổi 16% LME giá nhôm) giảm còn khoảng 75% so với giá dự báo làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của các dự án. Nhờ sự giám sát, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã nhanh chóng nắm bắt, làm thủ chủ công nghệ, có nhiều giải pháp tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, cải tiến kỹ thuật, tổ chức sản xuất hợp lý, … nên đã tiết giảm chi phí sản xuất, hiệu quả dự án vẫn trong tầm kiểm soát nhưng thấp hơn, thời gian lỗ kế hoạch dài hơn so với dự kiến. Về hiệu quả kinh tế của các dự án, Bộ Công thương và Chính phủ đã có báo cáo cụ thể tại các kỳ họp Quốc hội khóa XII, XII và kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Hiện nay, Bộ Công thương đang chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKVN) để sớm đưa dự án Nhân Cơ có sản phẩm thương mại trong tháng 12 năm 2016; tiếp tục nghiên cứu cải tổ mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, cải tiến công nghệ, giảm các chi tiêu tiêu hao nguyên vật liệu chính, năng lượng để hạ giá thành, giảm thời gian lỗ kế hoạch.

Đồng thời, tiến tới, nghiên cứu giải pháp cổ phần hóa các nhà máy alumin, nâng cao hiệu quả các dự án. Tổng kết, đánh giá tổng thể việc đầu tư thí điểm 2 dự án, hoàn thiện quy hoạch các dự án boxit, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và xin ý kiến của Bộ Chính trị.

Bộ Công thương cũng cho biết, rút kinh nghiệm tự hạng mục hồ bùn đỏ Tân Rai, khi thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ Nhân Cơ, Bộ Công thương đã mời Viện Kỹ thuật Công trình (Đại học Thủy Lợi) - Tư vấn thẩm tra cùng Chủ đầu tư và Tư vấn thiết kế rà soát, điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp để áp dụng cho hồ bùn đỏ Nhân Cơ và cho các khoang tiếp theo của hồ bùn đỏ Tân Rai. Kết quả thẩm định đã tính toán, giảm kích thước đập ngăn giữa các khoang hồ, nâng cao hiệu suất lưu giữ bùn đỏ, cân bằng được đất trong lòng hồ để đắp đập và xử lý đáy hồ, rút ngắn và bố trí hợp lý hơn các hệ thống đường ống thu nước và dung dịch, điều chỉnh thiết kế giếng thu lũ và thoát dung dịch, trạm bơm nước tuần hoàn… Việc điều chỉnh thiết kế đảm bảo tính hợp lý, phù hợp với thực tế, thuận lợi và an toàn hơn trong vận hành hồ chứa, tiết kiệm chi phí đầu tư và thời gian thi công cũng như chi phí vận hành.

Trên cơ sở thực tế vận hành các khoang hồ bùn đỏ Tân Rai và Nhân Cơ, sẽ tổ chức kiểm tra, rút kinh nghiệm việc xây dựng các khoang bùn đỏ tiếp theo, theo hướng đảm bảo an toàn và tiết kiệm đầu tư./.

Thu Phương

Các bài viết khác