ĐBQH NGUYỄN TẠO CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN TIN NHẮN RÁC

06/05/2020

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được chất vấn của Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về các giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi tự động nhằm bảo vệ an toàn thông tin cho người sử dụng.

Theo Đại biểu Nguyễn Tạo- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV với nội dung: “Cử tri phản ánh tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi tự động lại tiếp tục bùng nổ gây hoang mang cho người dùng. Điều đáng nói là những cuộc gọi này người gọi nắm được thông tin cá nhân của các thuê bao gọi đến, cho thấy tình trạng rò rỉ thông tin người dùng từ các nhà mạng đang diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Cử tri đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát việc bảo mật thông tin khách hàng của các nhà mạng, đồng thời sớm có giải pháp hữu hiệu hơn nữa để hạn chế tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi tự động như hiện nay?


Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông đã được nêu tại Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng (Điều 6 của Luật Viễn thông, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng). Theo quy định hiện hành, thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông mà các doanh nghiệp viễn thông thu thập và lưu trữ chỉ bao gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân của thuê bao cá nhân (không có thông tin về nghề nghiệp, nơi làm việc của chủ thuê bao).

Thực tế cho thấy, thông tin cá nhân được mua bán thường gồm cả thông tin về nghề nghiệp, đơn vị công tác, thông tin tài chính, hoàn cảnh gia đình của các cá nhân. Như vậy, việc lộ lọt thông tin cá nhân có thể được thực hiện bởi nhiều đối tượng khác ngoài doanh nghiệp viễn thông (như chủ đầu tư, quản lý các dịch vụ bất động sản, khu mua sắm...).

Để tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông, năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT ngày 18/3/2016 để chấn chỉnh các đối tượng quản lý, tăng cường việc bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bản, lưu thông tin SIM di động sai quy định. Ngày 11/01/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTTTT về tăng cường phòng chống mã độc và bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng Đề án Bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới để chỉ đạo và tổ chức triển khai tổng thể công tác này đối với tất cả các cơ quan, tổ chức liên quan trên phạm vi cả nước.

Đề cập giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bộ sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người dùng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc xử lý nghiêm các vi phạm trong việc mua bán thông tin cá nhân đối với các tổ chức, cá nhân khác; triển khai chiến dịch, thường xuyên tuyên truyền đến người dân và xã hội về tầm quan trọng của việc bảo đảm bí mật thông tin cá nhân.

Về công tác phát hiện, ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi tự động

Đối với tin nhắn rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai hệ thống chia sẻ mẫu tin nhắn rác (hiện đã xây dựng được hơn 280.000 mẫu tin). Hệ thống chặn lọc tin nhắn rác của các nhà mạng hoạt động hiệu quả, có khả năng chặn lọc hàng trăm triệu tin nhắn rác mỗi năm (Tổng số tin nhắn rác đã bị chặn qua hệ thống của các doanh nghiệp viễn thông trong năm 2016 là 542 triệu tin; năm 2017 là 199 triệu tin, năm 2018 là 137 triệu tin và trong 9 tháng đầu năm 2019, số lượng tin nhắn rác chặn được trên toàn mạng là 131,1 triệu tin). Về tổng thể, tình trạng tin nhắn rác đã giảm rõ rệt trong thời gian qua (tổng đài tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua từng năm với lượng phản ánh trong 9 tháng đầu năm là gần 52.000 lượt phản ánh, giảm 90% so với năm 2016 (gần 540.000 lượt).

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phòng chống tin nhắn rác. Chỉ đạo nhà mạng phối hợp, tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác và đưa thành tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ viễn thông. Xây dựng cơ chế thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ gửi tin nhắn quảng cáo hợp pháp. Quản lý chặt thuê bao trả trước, chương trình khuyến mại của các nhà mạng. Tuyên truyền đến người sử dụng cùng tham gia công tác phòng chống tin nhắn rác.

Đối với cuộc gọi rác

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, cuộc gọi rác vẫn diễn ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng (đặc biệt là gọi quảng cáo tự động - robocall) gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, quyền lợi của người dân. Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cũng đã chủ động nghiên cứu, triển khai thử nghiệm các biện pháp kỹ thuật để chặn lọc chủ động cuộc gọi rác với tiêu chí chặn lọc căn cứ phản ánh của khách hàng kết hợp với thuật toán chặn lọc bằng trí tuệ nhân tạo (AI), máy tự học và dự kiến hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác này sẽ được triển khai đồng loạt vào cuối năm nay.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh chỉ đạo các nhà mạng nghiên cứu, triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng chống cuộc gọi rác, triển khai trong tháng 12/2019. Đẩy nhanh việc xây dựng quy định về phòng chống cuộc gọi rác trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2019, trong đó sẽ tập trung quy định về tiêu chí xác định để chặn lọc ngay từ nguồn phát tán cuộc gọi, đồng thời quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ quảng cáo qua điện thoại để giảm thiểu tình trạng cuộc gọi rác như hiện nay. Bên cạnh đó là vận dụng kinh nghiệm quốc tế để xử lý tình trạng này: qua nghiên cứu kinh nghiệm cho thấy các nước thường lập hệ thống để người dùng chủ động đăng ký danh sách không nhận cuộc gọi quảng cáo (Do Not Call Register) đồng thời có chế tài xử phạt nặng đối với các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo nếu vị phạm, thực hiện cuộc gọi quảng cáo đến người dùng đã đăng ký trong danh sách không nhận cuộc gọi quảng cáo...

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến đến người dân và xã hội để tăng cường ý thức phòng chống cuộc gọi rác. Làm việc với các cơ quan quản lý có liên quan về quảng cáo, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan công an để xây dựng cơ chế phối hợp, đưa ra biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, đủ tính răn đe./.

Bích Lan