ĐBQH HỒ THANH BÌNH CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ ĐỊNH HƯỚNG ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ HIỆU QUẢ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

11/05/2020

Gửi văn bản chất vấn Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị Bộ Công thương nêu rõ định hướng xây dựng cảng nước sâu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu nông sản, hàng hóa cho vùng cũng như góp phần thu hút đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đặt câu hỏi chất vấn, biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, qua phân tích chuỗi giá trị hàng hóa và nông sản xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, chi phí vận tải tăng thêm (có thể ước lượng từ 10-40%) và tốn kém thời gian vận chuyển cho các doanh nghiệp do phải vận chuyển xa đến các cảng ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép. Đại biểu đề nghị Bộ Công thương nêu rõ định hướng xây dựng cảng nước sâu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu nông sản, hàng hóa cho vùng cũng như góp phần thu hút đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc Hồ Thanh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang về vấn đề này, Bộ Công thương cho biết, để giải quyết bài toán này, việc  đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực cần được chú trọng và có hướng đi hợp lý. Theo đó, việc đầu tư cho đường thủy sẽ phát huy lợi thế địa hình của vùng. Đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài đường thủy hơn 15.000km, gần 60 cảng thủy nội địa và gần 4000 bến thủy nội  địa. Tuy nhiên trên  85% các cảng phân tán, manh mún, phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/năm, chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng.

Về xây dựng cảng nước  sâu, Bộ Công thương cho biết, do đặc điểm sông Cửu Long nhiều phù sa nên các cửa biển chính bị bồi lắng, không cho phép tàu dung lượng lớn vào sâu trong nội địa. Do đó, các cảng trong  nội địa như Cái Cui, Mỹ Thới, Hoàng Diệu đều chưa phát huy được  năng lực, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông hàng hóa tại khu vực này.

Bộ Công thương cho biết, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai nghiên cứu việc điều chỉnh quy  hoạch hệ thống cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.  Mục tiêu khi đi vào hoạt động là đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000-100.000 DWT và trên 100.000 DWT. Khu vực nghiên cứu bến cảng Trần Đề có diện tích dự kiến rộng khoảng 30.000ha từ cửa Trần Đề đến cửa Mỹ Thanh. Độ sâu của cảng dự kiến khoảng từ -10m đến -12m. Trong trường hợp cảng Trần Đề đáp ứng được điều kiện để quy hoạch và xây dựng sẽ giúp hàng hóa xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được vận chuyển với cự ly gần hơn, giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cho toàn vùng./.

Thu Phương

Các bài viết khác