ĐBQH HỒ THANH BÌNH CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ GIẢI PHÁP GIẢM NHẬP SIÊU ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

11/05/2020

Chất vấn Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đề nghị Bộ Công thương nêu rõ những giải pháp để giảm nhập siêu đối với thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đặt câu hỏi chất vấn, biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, trong 10 năm qua Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc. Riêng nhóm các mặt hàng nông sản thì Việt Nam xuất siêu. Là khách hàng nhập siêu trong cán cân này nhưng Việt Nam chưa phát huy được lợi thế của một ‘thượng đế’, nhất là những lúc nông sản gặp khó khăn, sách nhiễu trong xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đại biểu đề Bộ Công thương nêu rõ có giải pháp gì để giảm nhập siêu đối với thị trường Trung Quốc? Và giải pháp nào để tạo lợi thế phòng ngừa rủi ro ở vị thế thị trường khách hàng mỗi khi bị gây khó khăn, sách nhiễu trong xuất khẩu nông sản đối với thị trường Trung Quốc?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc Hồ Thanh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang về vấn đề này, Bộ Công thương cho biết, để góp phần giảm nhập siêu đối với thị trường Trung Quốc, cần phải coi thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu là giải pháp chủ yếu, lâu dài. Bộ Công thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô thông qua việc thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, trong đó, chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước khu vực châu Á, nhất là Trung Quốc để từng bước giảm mức chênh lệch thương mại.

Thứ ba, xây dựng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân, hàng hóa tiêu dùng xa xỉ

Thứ năm, phát triển mạnh  và có hiệu quả công nghiệp  phụ trợ.

Thứ sáu, củng cố thị trường trong nước, xây dựng cơ chế phù hợp, hiệu quả khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ bảy, rà soát cơ cấu đầu tư, tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu, hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất…

Đối với việc tháo gỡ khó khăn, phòng ngừa rủi ro phát sinh và hỗ trợ phát triển xuất khẩu nông, thủy sản bền vững sang thị trường Trung Quốc, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực, chủ động thông tin, khuyến cáo về diễn biến tình hình thị trường cũng như các yếu tố tác động đến cung cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn... của thị trường Trung Quốc tới các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức; thường xuyên tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp các kiến thức thương mại quốc tế như hợp đồng, thanh toán, điều kiện giao hàng, bao bì đóng gói, thương hiệu, nhãn hiệu.../.

Thu Phương

Các bài viết khác