ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH CHẤT VẤN BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ GIẢI PHÁP THU HÚT NHÂN LỰC CHO SỰ NGHIỆP THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

11/05/2020

Chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị Bộ nêu rõ những giải pháp để có thể nhân lực tiếp tục phục vụ cho sự nghiệp thông tin và truyền thông của Nhà nước ta.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, trong khi mạng xã hội tràn ngập nhiều kênh thông tin xấu, độc mà nay việc thực hiện quy  hoạch báo chí có khoảng 8000 nhà báo được đào tạo bài bản thuộc lực lượng báo chí cách mạng sẽ phải rời vị trí và có thể gia nhập vào mạng xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ nêu rõ những giải pháp để có thể thu hút anh chị em này tiếp tục phục vụ cho sự nghiệp thông tin và truyền thông của Nhà nước ta?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thực tế không có số liệu 8000 nhà báo, phóng viên phải bỏ nghề để gia nhập mạng xã hội như đại biểu Quốc hội đề cập, nhưng vấn đề việc làm  của nhà báo sau quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung giải quyết.

Trong năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu, đề xuất thành lập “Quỹ phát triển báo chí”, trên cơ sở hoàn toàn xã hội hóa để hỗ trợ báo chí,  nhất là giai đoạn sau quy hoạch, tập trung hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới; tập huấn đội ngũ phóng viên; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác truyền thông.

Kiến nghị Chính phủ tăng kinh phí đặt hàng báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng Đề án hỗ trợ báo chí, xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Kiến nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cho các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực (Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo Quân đội nhân dân) để giữ vai trò chi phối, giữ nhịp, định hướng thông tin; làm tốt công tác đấu tranh phản bác tin giả, tin xấu, độc hại.

Năm 2020 và những năm tiếp theo, bằng nguồn lực xã hội hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập  trung triển khai có hiệu quả “Dự án hỗ trợ phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”, tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên theo chuyên đề nhằm trang bị kỹ  năng làm báo hiện đại, đáp ứng yêu cầu khi cơ quan báo chí chuyển đổi mô hình hoạt động, tăng cường kỹ năng làm truyền thông để nhà báo, phóng viên tăng thêm khả năng đáp ứng các vị trí việc làm khi chuyển đổi công việc./.

Thu Phương

Các bài viết khác