ĐBQH MAI THỊ ÁNH TUYẾT GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

28/05/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

 

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu từ điểm cầu tỉnh An Giang

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết thống nhất nhiều nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới vừa trình bày nhằm góp phần hoàn thiện tốt khung khổ pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này.

Tuy nhiên, để hoàn thiện Dự án Luật, đại biểu đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về doanh nghiệp nhà nước quy định tại Điều 88. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Dự thảo luật lần này sửa đổi quy định doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này. Việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước như quy định tại dự thảo lần này cần phải cân nhắc vì đây là một vấn đề lớn, quan trọng, nhưng chưa rõ việc đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi này đến hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp nhà nước theo quy định của dự thảo luật lần này, đánh giá tác động đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần vốn góp.

Thực tế cho thấy, việc quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần, có quyền biểu quyết của nhà nước tại dự thảo luật trên 50% chưa đảm bảo sự chi phối của nhà nước đối với các quyết định quan trọng. Chi phối hoạt động của doanh nghiệp bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên và Nghị quyết của Đại hội cổ đông trong Công ty cổ phần.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số vốn cổ phần có quyền biểu quyết của nhà nước phù hợp hơn, đảm bảo việc chi phối của nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên có vốn góp cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp. Qua giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa mới trình bày, đại biểu nếu chọn phương án nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nếu áp dụng thì chúng ta áp dụng một số đối tượng doanh nghiệp và cần phải có đánh giá kỹ tác động trước khi tổ chức thực hiện.

Thứ hai, về cơ quan đăng ký doanh nghiệp tại Điều 215 dự thảo luật có quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật như Điều 215 nhưng chưa giải quyết tốt tồn tại thực hiện hiện nay của cơ quan đăng ký kinh doanh. Thực tế cho thấy, Luật Doanh nghiệp đã từng bước hoàn thiện, làm thay đổi căn bản quyền kinh doanh và đăng ký kinh doanh. Hiện nay, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không bắt buộc phải ghi ngành, nghề, doanh nghiệp có quyền tự kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, hồ sơ đăng ký cũng được đơn giản hóa nhiều thủ tục, giấy phép con.

Do đó, việc thành lập, quản lý doanh nghiệp đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Sự thay đổi này là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát huy khả năng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sự thông thoáng này cũng đặt ra yêu cầu phải có cơ quan quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, đảm bảo phát triển doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật, kiểm soát được thực trạng và khe hở hiện nay đối với luật hoặc lợi dụng, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp để gian lận, trốn thuế.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định như tiến hành hoạt động kinh doanh nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, kê khai thuế, nộp thuế, tình trạng doanh nghiệp ma v.v... Do đó, dự thảo luật cần quy định để giám sát và xử lý hiệu quả những thực trạng này.

Đồng thời, về công tác đăng ký kinh doanh có liên quan chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức khác, nhưng dự thảo luật lần này không quy định rõ vấn đề này. Thực tế, tình trạng doanh nghiệp đăng ký rất lớn, nhưng số đang hoạt động ít hơn rất nhiều. Số doanh nghiệp phát sinh thuế nhiều thời điểm rất thấp. Đó là một thực trạng hiện nay đã kéo dài và chưa giải quyết. Do đó, trong luật lần này đã không thể hiện làm sao khắc phục được vấn đề đăng ký kinh doanh và các cơ quan kinh doanh phải phối hợp chặt chẽ, tránh thất thu thuế và vấn đề xử lý vừa qua chưa kịp thời. Đề nghị dự thảo Luật cần quy định mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý kinh doanh với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp công khai thông tin doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xử lý các doanh nghiệp, các hành vi phạm quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện v.v...

Ngoài ra, đối với vấn đề về con dấu của doanh nghiệp ở Điều 43, đại biểu thống nhất như Dự án luật quy định doanh nghiệp quyết định có hoặc không có con dấu, vì thực tế tư duy xem con dấu là một yêu cầu bắt buộc như trong các văn bản quy phạm pháp luật đang áp dụng hiện nay ở Việt Nam vô hình chung đã giao giá trị đại diện của doanh nghiệp ràng buộc vào con dấu, gây phiền toái và tốn kém cho doanh nghiệp, nhất là thời đại điện tử và công nghệ. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định thiếu ràng buộc và xử lý vi phạm về vấn đề này, do đó cần quy định cụ thể hơn về cơ chế xác định được chữ ký của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Vấn đề này có thể xử lý bằng nhiều cách, từ việc buộc đăng ký chữ ký mẫu và công khai chữ ký mẫu cho đến áp dụng công nghệ chữ ký điện tử, đồng thời phải quy định chế tài thật nghiêm khắc trong việc giả mạo chữ ký./.

Hồ Hương

Các bài viết khác