ĐBQH NGUYỄN SƠN: CẦN QUY ĐỊNH RÕ CÁC ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM HÒA GIẢI VIÊN

28/05/2020

Góp ý tại phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ĐBQH Nguyễn Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) đề nghị dự thảo luật quy định cần quy định rõ các điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên, nhưng cũng cần tránh những thủ tục phức tạp đối với những nguồn lực chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên môn trong công tác pháp luật.

 

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 

Sáng ngày 25/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Thường vụ Quốc hội và các nội dung dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Sơn cũng góp ý một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật.

Cụ thể, thứ nhất, về nguyên tắc hòa giải, đối thoại ở Điều 3: Tại khoản 7 Điều 3 quy định hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhưng tại điểm d khoản 1 Điều 14 quy định về quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên là mời người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại, tham khảo ý kiến cơ quan và tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực để tranh chấp, khiếu kiện. Theo ĐBQH Nguyễn Sơn, quy định như vậy là chưa thống nhất. Vì vậy, để đảm bảo khi tiến hành hòa giải, đối thoại hòa giải viên độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, ĐBQH Nguyễn Sơn đề nghị quyết định trước khi tiến hành hòa giải, đối thoại, hòa giải viên có thể tranh thủ ý kiến của người có uy tín, tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực mà mình hòa giải. Trường hợp nếu mời những người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại thì chi phí chi trả cho những người này được tiến hành như thế nào? luật cần quy định rõ.

Thứ hai, về kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa tại Điều 6, ĐBQH Nguyễn Sơn cho rằng, tranh chấp dân sự là việc hai bên đương sự phải chịu trách nhiệm, Tòa giữ vai trò trọng tài đứng ra phán xử. Về nguyên tắc chi phí phải do đương sự chi trả, nhưng trong lúc chúng ta đang khuyến khích hòa giải, dự thảo luật quy định kinh phí chi trả do Nhà nước đảm bảo. ĐBQH Nguyễn Sơn cũng đề nghị cần được đánh giá tác động đầy đủ trong hồ sơ dự án luật, có làm tăng thêm ngân sách và biên chế so với phía xử lý các vụ án tại Tòa trước đây. ĐBQH Nguyễn Sơn tán thành với quan điểm trước mắt kinh phí cho hoạt động này do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Tuy nhiên, sau này cần có một sự đánh giá, tổng kết đầy đủ về tác động, đồng thời quy định các bên tham gia hòa giải phải chịu chi phí theo pháp luật quy định.

ĐBQH Nguyễn Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) góp ý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thứ ba, về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên tại Điều 10, ĐBQH Nguyễn Sơn cho rằng, tại khoản 1 Điều 10 dự thảo luật quy định cần quy định rõ ràng, tách bạch các điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên như sau: Nhóm đối tượng đã là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký Tòa án, kiểm sát viên, chấp hành viên thi hành án dân sự sau khi được nghỉ hưu, xem xét bổ nhiệm thành hòa giải viên, những đối tượng này chỉ cần thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản a và điểm c khoản 1 Điều 10. Việc yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của tòa thì không cần thiết, vì đây là những nguồn lực chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên môn trong công tác pháp luật, đặc biệt là công tác tư pháp, đồng thời được đào tạo, sát hạch, bổ nhiệm cũng rất khắt khe.

Nhóm đối tượng thứ hai dự thảo quy định là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn quy định phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, theo ĐBQH Nguyễn Sơn là không hợp lý, vì đây là những người có trình độ chuyên môn về pháp luật chuyên nghiệp, tham gia giải quyết nhiều vụ án lớn, phức tạp. Đối với luật sư, theo quy định hiện hành thì luật sư của ta hiện nay có 2 nguồn: Nguồn thứ nhất là đào tạo bài bản, chính quy, có kiến thức, kỹ năng toàn diện, tham gia hoạt động chuyên môn rộng lớn và tham gia tố tụng các loại án, tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Nguồn thứ hai là điều tra viên, kiểm sát viên thẩm tra đã nghỉ hưu. Do đó, quy định như vậy là quá dài, không phù hợp với thực tiễn và không thu hút được những người có đủ khả năng để tham gia hòa giải. ĐBQH Nguyễn Sơn đề nghị là 5 năm.

Nhóm đối tượng thứ ba là những người có hiểu biết về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư, nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 10 thì có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên. ĐBQH Nguyễn Sơn đề nghị cần bổ sung quy định thời gian có kinh nghiệm, kĩ năng hòa giải với nhóm đối tượng này cũng là 5 năm. Nhưng nhóm đối tượng này cũng phải bảo đảm hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ theo quy định.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Sơn đề nghị bổ sung thêm đối tượng là hội thẩm viên sau khi thôi không làm hội thầm thì có thể được xem xét để bố trí làm hòa giải viên.

Thứ tư về trình tự, thủ tục nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa và chỉ định hòa giải viên tại Điều 18, ĐBQH Nguyễn Sơn cho biết, trên thực tế, nhiều trường hợp Tòa án nhận đơn nhưng không xử lý đúng thời hạn quy định của pháp luật, từ đó gây bức xúc cho các đương sự, nhiều đơn khiếu kiện vượt cấp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do vậy, ĐBQH Nguyễn Sơn đề nghị bổ sung thêm quy định “sau khi nhận đơn khiếu kiện Tòa án có trách nhiệm thông báo đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để có sự giám sát của Viện kiểm sát”.

Vấn đề thứ năm, về phương thức hòa giải tại Điều 22. Tại khoản 2 Điều 22 quy định “việc hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án”. Vậy việc tiến hành ngoài trụ sở Tòa án là tiến hành ở đâu? Theo ĐBQH Nguyễn Sơn nên quy định tiến hành ngoài trụ sở Tòa án do hòa giải viên và đương sự thỏa thuận để lựa chọn những nơi phù hợp và có quy định tổ chức nghiêm túc trong quá trình hòa giải.

ĐBQH Nguyễn Sơn cũng cho rằng, dự thảo còn có nhiều nội dung quy định giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành nhưng chưa có các văn bản dự thảo kèm theo nên khó có thể đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, nhiều trường hợp dự thảo luật có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, ĐBQH Nguyễn Sơn đề nghị cần bổ sung trong hồ sơ dự án luật một cách đầy đủ để thông qua dự luật lần này./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác