ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ:ĐƯA RA MỘT SỐ QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

28/05/2020

Thảo luận Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đưa ra một số quan điểm hoàn thiện Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Đưa ra quan điểm hoàn thiện Dự án Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu một số ý kiến như sau:

Đại biểu bày tỏ sự đồng tình với Ban soạn thảo cũng như giải trình của Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên đại biểu cho rằng, vấn đề về hộ kinh doanh, cần ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh để tạo sự bình đẳng, để chính danh cho họ mà nhóm đối tượng này rất nhiều trong xã hội chúng ta và để tạo điều kiện cho họ phát triển chứ không phải chỉ vấn đề trốn thuế và đề nghị phải làm sớm vì bây giờ cũng đã muộn rồi. Chúng ta đã có nghị định và nghị định đó đang thực thi nhưng tính hiệu quả chưa cao. Do đó, phải có một luật thật phù hợp và thật hiệu quả, phù hợp cho những hộ kinh doanh nhỏ nhưng lại rất phổ biến nên làm sao phải phù hợp với họ.

Về vấn đề con dấu, đại biểu đồng ý với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng lưu ý nếu có dấu thì trên dấu cần khắc càng đơn giản càng tốt vì dấu bản chất của nó cũng là một ký hiệu và họ đăng ký rồi, trên cơ sở đó cho họ được thiết lập một dấu không rườm rà, không nhiều thứ trên đó.

Về tổ chức chính trị, chính trị xã hội ở Điều 6, vấn đề này đã được quy định và quan trọng là tính thực thi của nó như thế nào. Đại biểu cho rằng nên khuyến khích, thậm chí có những yêu cầu về nội dung này.

Về vấn đề quyền của cổ đông phổ thông ở Điều 115, đại biểu đồng ý với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông, vì trong xu hướng các doanh nghiệp ngày càng lớn lên, càng nhiều hơn thì việc sở hữu đến 10% là rất lớn, cho nên cần phải giảm, nhưng giảm bao nhiêu? Đại biểu tán thành là khoảng 5%, mặc dù trước đây có những ý kiến phát biểu là nên khoảng 3%, bây giờ cho 5%, còn trong tương lai có những doanh nghiệp càng ngày phát triển lên thì chúng ta sẽ tính.

Về Điều 155 quy định Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, đại biểu cho rằng nếu Chủ tịch Hội đồng quản trị mà kiêm Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, nhất là các doanh nghiệp tư nhân thì rất tốt và rất nên làm như vậy. Nếu họ có đủ điều kiện, đủ năng lực và nếu trong nhà nước làm được thế cũng tốt, điều quan trọng nhất nên có quy định để doanh nghiệp tìm kiếm, thuê, mời cho được những người thực sự có năng lực để làm Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp, tạo điều kiện hết sức thông thoáng để thực hiện.

Về doanh nghiệp nhà nước ở Chương IV, đại biểu cho rằng không cần thiết phải có Điều 88. Về bản chất, không cần phải tách riêng, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tất cả đều tuân thủ theo một luật chung. Ngoài ra, cần sửa đổi một số quy định trong nội dung này cho dễ hiểu về doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân./.

Hồ Hương

Các bài viết khác