ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

28/05/2020

Trong phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi bố cục và nội dung dự thảo luật. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo đã tiếp thu hầu hết các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tham gia tại Kỳ họp thứ 8. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đã góp ý vào một số nội dung cụ thể.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đồng tình với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến làm rõ thêm phạm vi sửa đổi dự thảo luật là các quy định có tác động lớn đến phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng của luật và các luật có liên quan đến đầu tư kinh doanh, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nâng cao chất lượng hiệu quả, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cải cách thủ tục đầu tư, nâng cao, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, hiệu lực và hiệu quả quản lý hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.

Về tính công khai, minh bạch của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu cho biết dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) gồm 78 điều nhưng có đến 24 điều khoản được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, chiếm tới trên 30% số điều khoản của luật chưa được lượng hóa so với Luật Đầu tư năm 2019, tăng hơn 10% số điều khoản giao cho Chính phủ.

Đại biểu đề nghị với các quy định tại các Nghị định của Chính phủ thực hiện Luật Đầu tư năm 2015 đã ổn định và đã lượng hóa thì đưa vào luật và dự thảo luật nhằm hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tăng tính công khai, minh bạch của dự thảo luật, tránh tình trạng càng sửa đổi càng hạn chế tính công khai, minh bạch.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2), đại biểu nêu rõ phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1 của dự thảo luật gồm các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài là đầy đủ, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. Đại biểu cũng đồng tình với đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 của dự thảo luật là “nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với việc quy định về lập danh mục hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm tại Phụ lục số 1, 2 và 3 như dự thảo luật là phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cũng như bổ sung danh mục cấm đầu tư kinh doanh bào thai người và kinh doanh pháo nổ.

Đối với kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đại biểu lựa chọn phương án 1 là đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và cho biết, trong thời gian qua hoạt động này đã gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội, quy định chuyển tiếp tại khoản 5 Điều 76 đối với doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ như trong dự thảo luật là chặt chẽ và đầy đủ. Tuy nhiên, do quy định của Luật Đầu tư hiện hành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh, đầu tư có điều kiện đang hoạt động, đến nay dự thảo luật xóa bỏ sẽ tác động không nhỏ đến loại doanh nghiệp này. Cho rằng quy định tại khoản 5 Điều 76 không đưa ra được chính sách bù đắp cho loại doanh nghiệp này là chưa thỏa đáng, do đó, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá tác động chính sách xử lý đối với loại doanh nghiệp này, nghiên cứu bổ sung chính sách bù đắp, hỗ trợ cho loại doanh nghiệp này khi chấm dứt hoạt động.

Về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (Chương III), theo đại biểu Trần Văn Tiến việc sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư khả thi, đảm bảo quyền nhà đầu tư được tiếp cận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định rõ về trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì phải có chế tài xử lý, thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng để đảm bảo chặt chẽ và công bằng.

Tại khoản 3 Điều 16 quy định: “Căn cứ ngành, nghề, địa bàn ưu đãi …Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư và danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư … danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư”. Quy định như vậy có nghĩa là Chính phủ được quyền sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư và danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư. Chính phủ chỉ được ban hành khi Quốc hội thông qua còn quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư và danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Đại biểu cũng lưu ý cần tiếp tục rà soát các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để khắc phục tình trạng còn có cách hiểu khác nhau về phạm vi và đối tượng áp dụng, bổ sung các tiêu chí, điều kiện về hiệu quả và tính liên tục của dự án đầu tư làm căn cứ xác định được hưởng ưu đãi đầu tư, đảm bảo thủ tục hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thực sự rõ ràng, thuận lợi, đặc biệt là các hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ./.

Bảo Yến

Các bài viết khác