ĐBQH PHẠM THỊ THU TRANG: GÓP Ý KIẾN XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

28/05/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Phạm Thị Thu Trang- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra một số ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

 Đại biểu Phạm Thị Thu Trang phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu cơ bản thống nhất các nội dung của Dự án Luật. Ngoài ra, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đã đưa ra quan điểm về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như sau:

Vấn đề thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1. Dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hộ kinh doanh và bố cục một chương là Chương VIIa trên cơ sở luật hóa các quy định của Nghị định 78 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào luật này mà nên ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, vì đối tượng của Luật Doanh nghiệp là tổ chức, các chế định về cơ chế, chính sách chung điều chỉnh doanh nghiệp nhưng không điều chỉnh đối với hộ kinh doanh.

Như vậy, về hình thức, cấu trúc văn bản luật là không phù hợp, gây lúng túng khi nghiên cứu, áp dụng luật của các đối tượng. Hộ kinh doanh chỉ biết và thực hiện theo luật về hộ kinh doanh khi đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp thì thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, như vậy sẽ đơn giản hơn. Nếu để chung khi có thay đổi các quy định đối với doanh nghiệp nhưng không có tác động đối với hộ gia đình và ngược lại thì cũng phải sửa đổi luật làm ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.

Vấn đề thứ hai, về khái niệm doanh nghiệp nhà nước được giải thích tại khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, đến năm 2014 quy định là 100% vốn điều lệ. Dự thảo luật trở lại như luật năm 2005, tức là nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đề nghị cân nhắc việc liên tục thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, ảnh hưởng đến tính ổn định của văn bản luật, gây ra tâm lý băn khoăn về quyền bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, đặc quyền tham gia quản trị doanh nghiệp của các chủ sở hữu vốn khác, vì ngoài phần vốn góp của nhà nước còn có vốn các thành phần kinh tế khác tham gia.

Ngoài ra, nội hàm khái niệm doanh nghiệp nhà nước thay đổi sẽ tác động đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không làm giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước, chủ trương thu hút các thành phần kinh tế khối tư nhân đầu tư phát triển kinh tế.

Vấn đề thứ ba, về các tổ chức tại doanh nghiệp quy định tại Điều 6. Ngoài các tổ chức với quy định trong dự thảo, đề nghị bổ sung tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp bao gồm tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Đối với vấn đề thứ tư về con dấu tại Điều 43, đại biểu tán thành bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh tại khoản 2 Điều 44 của luật hiện hành, nhằm cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết. Tuy nhiên, tại khoản 1 dự thảo luật quy định “doanh nghiệp quyết định có và không có con dấu” thì đề nghị cần cân nhắc thêm. Quy định doanh nghiệp quyết định có hay không có con dấu cần đánh giá tác động của quy định này. Doanh nghiệp không có con dấu thì có bảo đảm về mặt pháp lý khi ký kết hợp đồng thực hiện các giao dịch dân sự hành chính và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động doanh nghiệp hay không. Tuy mong muốn là tạo điều kiện tối đa để khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, kinh doanh nhưng thiếu cơ chế kiểm soát lại còn có tác dụng ngược, doanh nghiệp lợi dụng gây thiệt hại cho người dân để lại nhiều hệ lụy cho xã hội khi xảy ra những vụ lừa đảo, giải quyết tranh chấp thì thiếu cơ sở xử lý.

Vấn đề thứ năm là quyền của cổ đông phổ thông, Điều 115. Đại biểu tán thành sửa đổi để giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông cổ đông. Việc nhóm cổ phần cổ đông từ 10% xuống 5% được thực hiện các quyền nêu tại các điểm a, b, c và đ của khoản 2 nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số và nhóm cổ đông trong doanh nghiệp, tạo thêm cơ chế góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư gián tiếp. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần quy định điều kiện về thời gian cổ đông, việc nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ 5% cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng như quy định của luật hiện hành để việc thực hiện các quyền nêu trên không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Vấn đề thứ sáu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Điều 155. Khoản 2 dự thảo quy định: công ty đại chúng thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm giám đốc, tổng giám đốc. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm giám đốc và tổng giám đốc và thực hiện có hiệu quả cao trong công tác điều hành, quản lý và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian qua. Vì vậy, đại biểu đề nghị giữ quy định hiện hành, giao cho cổ đông quyền tự quyết định mô hình điều hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm giám đốc và tổng giám đốc.

Vấn đề thứ bảy là về trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh, Điều 215. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc góp vốn điều lệ và điều chỉnh đăng ký vốn điều lệ để khắc phục tình trạng kê khai khống vốn điều lệ. Thực tế, số lượng lớn doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về góp vốn điều lệ, một số trường hợp lách luật là dùng thời hạn góp trong 90 ngày trình hồ sơ xin chấp thuận chủ trương dự án đầu tư trong khi thực hiện xong nghĩa vụ góp vốn điều lệ. Thực tiễn trong giải quyết tranh chấp thấy rằng khi thành lập doanh nghiệp thì kê khai vốn điều lệ lớn nhưng khi giải quyết tranh chấp thì vốn điều lệ không bảo đảm theo quy định, dẫn đến quyền, lợi ích của các bên liên quan chưa được giải quyết đầy đủ theo quy định.

Ngoài ra, tại điểm đ khoản 1 điều này, dự thảo luật quy định cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm của doanh nghiệp xảy ra trước và sau đăng ký doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị làm rõ nội dung không chịu trách nhiệm về vi phạm của doanh nghiệp xảy ra sau đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp nào./.

Hồ Hương

Các bài viết khác