ĐBQH DƯƠNG MINH TUẤN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

05/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Dương Minh Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra một số ý kiến để hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Cơ bản thống nhất nội dung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Dương Minh Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia một số ý kiến như sau:

Về sự cần thiết ban hành luật: Qua 5 năm triển khai thực hiện, Luật Xây dựng có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, tăng cường vai trò kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động đầu tư xây dựng cũng như nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và tác động của hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật Xây dựng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, để thích ứng với sự phát triển, một số điều luật cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn đầu tư xây dựng và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành và tên gọi của dự thảo luật.

Đại biểu Dương Minh Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại điểm cầu trực tuyến.

Về quy mô, giới hạn xây dựng đối với công trình nhà ở nông thôn không cần phải có giấy phép xây dựng. Khoản 2 Điều 89 dự thảo luật quy định ngoại trừ các công trình xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa thì các công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn thì không phải xin giấy phép xây dựng. Đây là quy định thông thoáng, rất thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình quản lý một số tổ chức, cá nhân đã vận dụng việc miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn nói trên, tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô diện tích lớn, sử dụng với nhiều mục đích khác có thể gây mất trật tự, khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định về giới hạn quy mô xây dựng công trình đối với trường hợp này.

Về thông báo thời điểm khởi công xây dựng, điểm k khoản 2 Điều 89 dự thảo luật quy định chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng gửi kèm theo hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, quản lý, ngoại trừ nhà ở riêng lẻ. Quy định như trên, tức là nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, khu vực chưa có quy hoạch khi khởi công xây dựng không phải thông báo đến cơ quan quản lý xây dựng.

Thực tế hiện nay nhiều nơi đã lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn nhưng khu vực có quy hoạch điểm dân cư nông thôn thì rất ít. Do đó, trường hợp đối với nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng là khá nhiều. Việc không quy định trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng đối với đối tượng này có thể sẽ làm mất kiểm soát trong xây dựng ở nông thôn, như xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, an toàn lưới điện, bảo vệ nguồn nước. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc thêm nội dung này.

Về phê duyệt Đồ án quy hoạch, khoản 4 Điều 34 Luật Xây dựng hiện hành quy định Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Như vậy, Hội đồng nhân dân sẽ thẩm tra, quyết định hầu hết các quy hoạch xây dựng của Ủy ban nhân dân như quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Nhận thấy trong các quy hoạch thì quy hoạch chi tiết có phạm vi rất nhỏ, hẹp, rất chi tiết, cặn kẽ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng cho phép Ủy ban nhân dân các cấp lập quy hoạch chi tiết và có báo cáo gửi Hội đồng nhân dân để giám sát nếu thấy cần thiết, tránh mất thời gian. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị sửa thành: Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân quyết định trước khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đối với đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn, với 59 điều, khoản được sửa đổi và đưa vào luật lần này, sau khi được thông qua cùng với các nghị định hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật khác, thời gian tới lĩnh vực xây dựng sẽ có đầy đủ căn cứ pháp lý và cơ chế thông thoáng hơn trong việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hiệu quả, chất lượng, đảm bảo trật tự xây dựng đô thị, nông thôn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. 

Nghĩa Đức

Các bài viết khác