ĐẠI BIỂU ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN LUẬT THỦ ĐÔ

05/06/2020

Sau 6 năm thực hiện Luật Thủ đô, bên cạnh những kết quả đưatj được thì Luật cũng đã bộc lộ những vấn đề hạn chế, vướng mắc trong quá trình tiển khai. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thực hiện Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội

Vướng mắc trong thi hành Luật Thủ đô

Luật Thủ đô được Quốc hội ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Thủ đô, thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, tích cực triển khai thực hiện. Các quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát triển thủ đô. Việc thực hiện Luật bước đầu đã tập trung huy động được nguồn lực to lớn của xã hội, tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và tỏ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và các chương trình, sự kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn thủ đô.

Thực tế cho thấy, Thủ đô đang ngày càng khang trang, to đẹp hơn, thân thiện hơn đối với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật bước đầu đã giúp thành phố Hà Nội huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân.

Đánh giá về hiệu quả thực thi luật, PGS.TS Nguyễn Thành Công - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng: Luật Thủ đô là một văn bản pháp lý rất quan trọng tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội thủ đô. Đây cũng là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị tạo cơ chế đặc thù phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Luật đã tác động rất tích cực thời gian vừa qua, kinh tế thủ đô tăng trưởng khá cao và bền vững; xây dựng nông thôn mới Hà Nội đi đầu trong cả nước, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành;… đời sống nhân dân được nâng cao rõ dệt, thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống bà con nông thôn ngoại thành tăng trưởng nhanh;…hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ; nhiều chung cư, khu đô thị mới ra đời.

PGS.TS Nguyễn Thành Công - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội

Ngay sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết đúng tiến độ, đúng thẩm quyền. Để bảo đảm Luật đi vào đời sống, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thường xuyên tiến hành giám sát đối với Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô cũng như Nghị quyết Hội đồng nhân dân thông qua các hoạt động chất vấn tại các kỳ họp, các hoạt động giám sát, khảo sát theo chuyên đề

Mặc dù thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt để sớm đưa luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Phân tích những mặt hạn chế, PGS.TS Nguyễn Thành Công - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng: Do Luật Thủ đô được ban hành cách đây hơn 6 năm, tại thời điểm đó nhiều vấn đề chưa đặt ra. Hiện nay đặt ra vấn đề: xây dựng thành phố thông minh; chính phủ điện tử; xây dựng chính quyền đô thị; quản lý các đô thị vệ tinh; cơ chế chỉ định thầu đối với một số dự án quan trọng... Bên cạnh đó, nhiều điều khoản còn chung chung, áp dụng khó. Nhiều văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật Thủ đô như Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở, Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và các văn bản quy định chi tiết đã sửa đổi, bổ sung, thay thế nên việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô bị hạn chế bởi các quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Mật độ xây dựng dày đặc gây áp lực cho hạ tầng giao thông

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.

Bên cạnh đó thành phố Hà Nội cũng đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử từ 2016. Tuy nhiên, trong thời gian qua ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, thì quy hoạch đô thị Hà Nội trong quá trình thực hiện có nhiều bất cập, các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại với mật độ dày đặc trong khu vực nội đô gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông,.. Bên cạnh đó, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau di dời đối với một số cơ quan, tổ chức, các cơ sở y tế, giáo dục,…  chưa thực hiện nghiêm theo Quyết định của Thủ tướng. Tiến độ di dời rất chậm, quỹ đất sau di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển công trình công cộng ..

Theo TS.Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế, sự chậm trễ này gây hệ lụy về quy hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quy mô dân số đi ngược lại mục tiêu ban đầu đề ra. Do vậy, cần đặt vấn đề xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị chậm di dời và những đơn vị đã di dời những vẫn chưa chịu bàn giao trụ sở cũ.

Ts. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế 

Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác như ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra khá phổ biến. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém, giải phóng mặt bằng còn chậm, gặp nhiều khó khăn, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp. Tình trạng dân số cơ học vẫn tiếp tục tăng nhanh cả nội thành và ngoại thành, khu vực nội đô lịch sử, mật độ dân cư phân bố không đều, chênh lệch đáng kể giữa ngoại thành và nội thành...

Bà Trần Lệ Thủy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn ở mức cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Nếu cơ quan quản lý không kịp thời có những giải pháp hiệu quả xử lý tình trạng này thì hệ lụy lâu dài là rất lớn.

Để khắc phục những bất cập hiện nay, theo PGS.TS Nguyễn Thành Công - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội, một trong những yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện pháp Luật Thủ đô nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển Thủ đô trong tình hình mới.

04 nhóm giải pháp thực hiện Luật Thủ đô

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Qua tổng kết đánh giá cho thấy, một số quy định của Luật Thủ đô chưa phù hợp, khó triển khai thực hiện; đồng thời nhiều văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật Thủ đô như Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở, Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và các văn bản quy định chi tiết đã sửa đổi, bổ sung, thay thế nên việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô bị hạn chế bởi các quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau về thẩm quyền, cơ chế tự chủ của chính quyền Hà Nội.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ động chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết bằng nhiều hình thức, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Thứ hai, thành phố Hà Nội chủ động trong việc phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.

Thứ ba, phê duyệt chương  trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu rà soát các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô nhằm phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, không hợp lý, thiếu tính khả thi; chỉ đạo thành phố Hà Nội kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản của Thành phố (Nghị quyết, Quyết định) cho phù hợp quy định của pháp luật, đảm bảo cơ chế đặc thù thực thi trên thực tế.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Theo đó cơ bản giải quyết các kiến nghị của Thành phố về lĩnh vực tài chính ngân sách.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô phù hợp với tình hình mới

Sau hơn 6 năm thi hành Luật Thủ đô, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề phát sinh cần giải quyết như quản lý không gian, kiến trúc, xây dựng chính quyền đô thị, thành phố thông minh...? Vậy, những nhóm giải pháp Thủ tướng Chính phủ đưa ra liệu có khắc phục được những hạn chế hiện nay? Đâu sẽ là giải pháp cần chú trọng, ưu tiên để thực thi hiệu quả Luật Thủ đô? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về nội dung này.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thực hiện Luật Thủ đô?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:  Sở dĩ tôi có chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong thi hành Luật Thủ đô bởi lẽ là có một số quy định của Luật Thủ đô chưa thực sự phù hợp với thực tiễn cho nên chưa thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô như kỳ vọng của nhân dân thủ đô, nhân dân cả nước cũng như là chưa đáp ứng được mục tiêu khi chúng ta xây dựng và ban hành luật Thủ đô.

Phóng viên: Sau khi đại biểu chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời, vậy đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Thủ tướng?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Nội dung Thủ tướng trả lời tôi cơ bản là đồng tình. Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành nhất là Bộ Tư pháp và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội rà soát và tổng kết việc thi hành Luật Thủ đô và trên cơ sở đó Thủ tướng cũng đã có văn bản trả lời nêu rõ những hạn chế bất cập trong quy định của Luật Thủ đô, những bất cập này ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành luật này.

Phóng viên: Trong phần trả lời, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên 04 nhóm giải pháp. Vậy theo quan điểm của đại biểu đâu là giải pháp cần chú trọng, ưu tiên thực hiện nhằm tháo gỡ những vuwogns mắc trong thi hành Luật Thủ đô hiện nay?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Cá nhân tôi cho rằng giải pháp trước mắt quan trọng đó là giải pháp về thể chế. Tức là chúng ta phải tìm ra những quy định của Luật Thủ đô mà chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi để kịp thời sửa đổi, bổ sung và chỉ khi nào tháo gỡ được nút thắt về thể chế thì chúng ta mới có thể đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống và những quy định đó mới đi vào thực tế để thúc đẩy sự phát triển của thủ đô.

Phóng viên: Để triển khai thực hiện Luật Thủ đô thì sự phối hợp giữa Tp. Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận cũng như các Bộ, ngành cần được nhìn nhận như thế nào thưa đại biểu?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Về cơ chế phối hợp tôi thấy đúng là chúng ta còn hạn chế: Thời gian vừa qua việc phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương với thủ đô trong việc thực hiện luật chưa phát huy được hiệu quả và sự phối hợp này chưa thực sự chặt chẽ. Một phần nguyên nhân cũng là do quy định của luật Thủ đô và đây cũng là vấn đề sắp tới các bộ, ngành và thủ đô Hà Nội phải tham mưu cho Chính phủ để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung luật Thủ đô.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Đồng tình và đánh giá cao văn bản trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà kỳ vọng với những giải pháp do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, mục tiêu xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân sẽ sớm được hiện thực hóa để thủ đô Hà Nội xứng đáng là  “đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước"./.

Lê Anh

Các bài viết khác